Dân Việt

Cần làm gì khi cấp cứu người bị tai nạn giao thông?

Nguyễn Đức 11/11/2015 00:05 GMT+7
Nếu người đi đường sơ cứu không đúng cách có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nạn nhân TNGT.

Gần đây, dư luận xôn xao việc nhiều người đi đường không cứu giúp nạn nhân bị tai nạn giao thông trong vụ tài xế taxi tông hàng loạt xe máy trên cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc (Hà Nội). Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, nếu giúp không đúng cách, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bị nạn. Và không phải ai cũng biết sơ cứu đúng cách.

Về vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với tiến sĩ Hoàng Bùi Hải, bác sĩ Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Theo bác sĩ Hải, khi người dân chứng kiến các vụ tai nạn nghiêm trọng và tham gia cấp cứu, cần lưu ý một số bước cơ bản sau:

Bước 1: Nhanh chóng gọi người hỗ trợ.

img

Bước 2: Xem nạn nhân bị ngừng tim chưa (gọi hỏi không biết, ngừng thở hoặc thở ngáp, mạch cổ không đập). Nếu nạn nhân ngừng tim, cần để nạn nhân nằm ngửa nhẹ nhàng, duỗi thẳng chân tay, tránh gập cổ…

Sau đó ép tim ngay, đặt 2 tay chồng lên nhau giữa ngực nạn nhân và ép thật mạnh, thật nhanh, thả tay để ngực nở tối đa sau mỗi lần ép tim. Ép tim liên tục không nghỉ, sau 2 phút có người thay.

img

Người cấp cứu ép cho đến khi tim nạn nhân đập lại (tỉnh ra, thở được, có mạch cổ đập), hoặc cho đến khi nhân viên cứu hộ chuyên nghiệp đến. Chỉ di chuyển nạn nhân bị ngừng tim vào bệnh viện khi tim đã đập lại.

Nếu nạn nhân vẫn tỉnh, hoặc lơ mơ, vẫn tự thở thì sang bước 3.

Bước 3: Đặt nạn nhân nằm nghiêng an toàn, nằm nghiêng một bên, 2 tay duỗi, một chân vắt chéo sang bên đối diện.

img

Bước 4: Cố định cột sống cổ của nạn nhân, yêu cầu cột sống cố phải thẳng với trục cơ thể. Có thể dùng 2 bao cát hay 2 viên gạch chèn 2 bên tai khi bệnh nhân nằm.

img

Bước 5: Tìm các vết thương chảy máu để cầm máu bằng cách băng ép bằng quần áo, dây. Với nạn nhân chảy máu ở đầu, người cứu phải quấn băng quanh đầu để cầm máu, nhưng vẫn phải luôn giữ đầu cố định.

img

Bước 6: Cố định các vết thương gãy xương như xương đùi, xương cẳng tay bằng nẹp, giúp giảm đau cho nạn nhân.

img

Bước 7: Di chuyển nạn nhân vào bệnh viện gần nhất bằng xe cứu thương, có thể bằng ô tô… Tuyệt đối không vận chuyển bằng xe máy. Giữ tư thế đầu thẳng với trục cơ thể trong suốt quá trình vận chuyển.

img

Bác sĩ Hoàng Bùi Hải lưu ý, trong quá trình tham gia cấp cứu cho nạn nhân bị tai nạn, phải bảo vệ cột sống cổ của bệnh nhân khi di chuyển bằng cách một người đỡ đầu để thẳng trục với thân, một người xốc nách từ sau, một người đỡ hai chân. Cả 3 người cùng lùi cùng tiến để đầu, cột sống cổ luôn thẳng trục với thân mình.

Đã có nhiều trường hợp bệnh nhân vẫn tỉnh táo nhưng chấn thương cột sống cổ mất vững, khi di chuyển và sơ cứu, người giúp đỡ vô tình xốc ngược người bị nạn lên, cổ không được bảo vệ đã gây đứt tủy cổ dẫn đến nạn nhân choáng tủy có thể chết ngay hoặc có thể bị liệt cơ hô hấp, liệt tứ chi không hồi phục. Đây là sai lầm dễ mắc phải của người cứu hộ thiếu kiến thức.