Chiều 11.11, anh Trần Công Tuấn – Phóng viên Báo Người Lao Động tại TP Cần Thơ cho biết, trong ngày, Công an TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng đã làm việc với anh xoay quanh nội dung anh tố giác bị hành hung khi đến tác nghiệp tại công trình xây dựng Bệnh viện Sản- Nhi Sóc Trăng (phường 5, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) vào chiều 3.11.
“Công an yêu cầu tôi cung cấp các tài liệu, chứng cứ (băng ghi âm, hình ảnh) có liên quan đến việc tôi bị đánh. Thượng úy Trần Minh Nghị - Phó đội trưởng Đội tổng hợp Công an TP. Sóc Trăng cũng hỏi rõ tôi yêu cầu xử lý như thế nào. Tôi đã yêu cầu công an xử lý nghiêm theo pháp luật đối với ông Trần Duy Long vì có hành vi đánh vào mặt tôi, còn nhục mạ và gọi xã hội đen đến uy hiếp tôi”, anh Tuấn nói.
Sau khi giật máy ảnhcủa phóng viên Trần Công Tuấn không thành, ông Long đã đấm vào mặt phóng viên
Trước đó, Công an TP. Sóc Trăng cũng đã triệu tập nhóm thanh niên xăm mình có mặt tại hiện trường sau khi anh Tuấn bị đánh, đồng thời mời ông Long đến làm việc.
Như tin đã đưa: Chiều 3.11, anh Tuấn được Ban biên tập Báo Người Lao Động phân công đến công trình Bệnh viện Sản- Nhi Sóc Trăng tìm hiểu thông tin nhiều nhà thầu phụ đến công trình này để đòi nợ và tháo dỡ những vật dụng đã cho nhà thầu chính là Công ty Phát triển hạ tầng đô thị UDIC (trụ sở đặt tại TP Hà Nội) sử dụng trước đó.
Ông Cao Đình Thanh - người ra lệnh cho ông Long hành hung phóng viên
Tại đây, ông Cao Đình Thanh (quản lý công trình) ra lệnh cho bảo vệ khóa cổng, không cho bất kỳ ai vào trong, đồng thời ra lệnh cho ông Trần Duy Long (cũng là người của công trình) ra giật máy ảnh của anh Tuấn. Không giật được máy ảnh, ông Long nhào tới đấm anh Tuấn rồi bỏ vào trong.
Một lúc sau có vài thanh niên xăm trổ đầy mình đi xe gắn máy đến. Nhóm này và được bảo vệ công trình mở cửa để vào trong. Lúc này, ông Thanh chỉ mặt phóng viên Trần Công Tuấn cho nhóm này biết, đồng thời ra lệnh “xử lý nó, có gì tao chịu trách nhiệm”.