Theo ông Hùng, ở thời điểm này, nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là những vùng khó khăn đã và đang rất nỗ lực chuẩn bị cơ sở vật chất cho học sinh bước vào năm học mới.
Học sinh vùng khó khăn sẽ được quan tâm hơn trong năm học mới. |
Về mặt chính sách chung, năm học mới 2012 – 2013, Bộ GDĐT đã có những biện pháp hỗ trợ gì cho học sinh nghèo, học sinh vùng khó khăn?
- Đây là năm học thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam và triển khai chương trình hành động của ngành giáo dục thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020.
Chính vì vậy, một trong những trọng tâm của năm học này là việc tiếp tục huy động các nguồn lực tăng cường đầu tư cho giáo dục, đặc biệt ở các vùng sâu vùng xa, nông thôn và vùng khó khăn. Ngoài các chính sách miễn giảm học phí, Bộ đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh xây dựng và kiên cố hoá trường lớp, đảm bảo đủ cơ sở vật chất tối thiểu cho học sinh trong năm học mới.
Ngoài miễn giảm học phí, năm học này có chính sách đặc thù gì cho học sinh vùng khó, thưa ông?
- Việc thực hiện hỗ trợ học sinh nghèo không chỉ trông vào chính sách mà cần có sự phối hợp của địa phương, xã hội hoá và sự quan tâm của các cơ quan tổ chức xã hội. Trong năm học này, Bộ đã chỉ đạo các tỉnh, thành có nhiều học sinh khó khăn quan tâm triển khai cuộc vận động quyên góp quần áo, sách vở cho học sinh vùng khó. Thực hiện yêu cầu “3 đủ” (đủ ăn, đủ mặc và đủ sách vở), đảm bảo điều kiện tối thiểu cho học sinh có thể đến trường.
Một số tỉnh đã làm rất tốt công tác này, như: Tuyên Quang cấp vở cho học sinh các xã thuộc vùng 135; Ninh Bình cấp sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho học sinh nghèo, tỉnh Phú Thọ cũng cấp 651 bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 cho 720 học sinh nghèo, con thương binh, liệt sĩ… Đó là những nỗ lực của ngành giáo dục và địa phương với học sinh vùng khó trong năm học này.
Vấn đề trường lớp xuống cấp cũng đang rất “nóng”. Các địa phương triển khai khắc phục như thế nào, thưa ông?
- Trước thềm năm học mới, hầu hết các tỉnh đều cố gắng đầu tư để trường lớp khang trang hơn. Ví dụ tỉnh Tuyên Quang - một trong những địa bàn khó khăn cũng đã cố gắng trang bị phòng học ngoại ngữ cho 3 trường THPT và 12 trường THCS; xây dựng 23 công trình vệ sinh trường học; tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành xây mới gần 400 phòng học, 104 nhà vệ sinh, mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu cho trẻ 5 tuổi để đảm bảo hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ...
Thiếu giáo viên luôn là vấn đề nhức nhối ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, liệu năm học này có thay đổi?
- Hiện các tỉnh đã tập trung rà soát, sắp xếp, điều động và bố trí cán bộ, giáo viên cho năm học mới, đặc biệt chú trọng vào việc tuyển dụng biên chế đáp ứng yêu cầu giáo viên cho các vùng khó khăn. Một số tỉnh thiếu nhiều giáo viên thì năm nay cũng đã cơ bản được lấp đầy. Ví dụ tỉnh Hậu Giang, Phòng Giáo dục TP.Vị Thanh đã hoàn thành xét tuyển 37 biên chế; Phòng Giáo dục huyện Châu Thành xét tuyển 19 biên chế... Hiện nay, Sở GDĐT đã tiếp nhận 326 hồ sơ và sẽ tiến hành tổ chức xét tuyển để bổ sung số lượng giáo viên, nhân viên còn thiếu.
Xin cảm ơn ông!
Tùng Anh (ghi)