Dân Việt

Hoạt động cầm chừng, không người quản lý

06/07/2011 06:40 GMT+7
(Dân Việt) - Có vai trò như mái đình, ngôi chùa hay nhà thờ ở các làng, xã truyền thống, nhà văn hóa (NVH) được kỳ vọng sẽ là nơi để kết nối cộng đồng dân cư thời hiện đại.

Thế nhưng với những hoạt động nghèo nàn, thưa thớt, các NVH hiện nay không thể hấp dẫn người dân.

Tất cả những người dân chúng tôi gặp trong quá trình thu thập tài liệu để viết loạt bài này đều cho biết, mặc dù họ sống ngay cạnh NVH nhưng không “lây” được tí văn hóa nào của công trình này, vì nó quá ít các hoạt động.

img
Nhà văn hóa xã Lưu Kiếm, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng khang trang nhưng vắng vẻ .

“Nhà văn hóa” hay phòng họp?

Chủ yếu NVH được các thôn, xã dùng làm nơi hội họp vài ba tháng một lần. Phần nhiều các NVH ở cơ sở đóng cửa để đó không hoạt động gì, hoặc hoạt động cầm chừng, có nơi cỏ bao vây um tùm, phòng ốc xuống cấp. Công trình bị bỏ hoang hoặc sử dụng rất lãng phí trong khi thôn, xã nào cũng kêu ca thiếu địa điểm vui chơi, học tập cho trẻ.

Khái niệm “văn hóa” ở những công trình này đã bị đóng khung lại ở công việc hội họp, mà thời trước kia khi NVH chưa ra đời, chuyện đó được giải quyết đơn giản bằng việc mượn nhà của các vị trưởng thôn, trưởng khối, hoặc một nhà nào đó rộng rãi.

Theo Sở VHTTDL Quảng Nam, tỉnh này có 1.531 NVH thôn, khối phố (chiếm 89,7%) và 41 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, ông Lê Bá Vương - Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình của Sở, thừa nhận, có gần 50% trong số đó hoạt động cầm chừng, phục vụ không đúng mục đích, nhiều NVH thôn đang xuống cấp, bỏ không, thành nơi để người dân phơi cất rơm, rạ, củi…

Ở thôn Minh Thành, xã Đông Quang, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa), NVH thôn có diện tích hơn 70m2 với mục đích để làm nơi sinh hoạt, giao lưu văn hóa, tiếp nhận công nghệ thông tin, chuyển giao khoa học, công nghệ… nhưng ông Nguyễn Bá Nam - Trưởng thôn, cho biết: “Một năm chúng tôi dùng NVH làm nơi tổ chức họp dân hai lần vào đầu mùa vụ, với mục đích tuyên truyền về... giao nộp nông sản”.

Không ai mặn mà làm chủ nhiệm

Tính riêng tại huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng, đến hết năm 2001 toàn huyện đã tu sửa và đưa vào hoạt động mới tổng 22/23 NVH xã, thị trấn. Chi phí để xây dựng và làm mới số lượng NVH xã, thị trấn nói trên lên tới vài chục tỷ đồng. Thế nhưng ai cũng biết, việc xây một công trình to lớn phục vụ đời sống văn hóa thì dễ, tìm được cán bộ để xây dựng phòng trào, nuôi dưỡng phong trào mới thực sự là khó.

Anh Nguyễn Văn Thiện- cán bộ văn hoá xã Thụy Hương (Kiến Thụy, Hải Phòng) chia sẻ: “Theo Quyết định 33 của UBND thành phố, chủ nhiệm NVH xã, thị trấn là cán bộ văn hoá xã. Ban chủ nhiệm gồm đại diện các ban, ngành đoàn thể nhưng thực tế hiện nay giao hết cho cán bộ văn hoá xã - những người được hưởng lương theo bảng lương công chức cấp xã, thực hiện chức trách quản lý văn hoá thông tin, thể thao du lịch, gia đình và thông tin truyền thông, tham mưu cho cấp uỷ chính quyền cấp xã, thị trấn quản lý nhà nước về những lĩnh vực trên. Với mức phụ cấp gần 300.000 đồng/tháng mà phải kiêm nhiệm biết bao nhiêu việc cho nên cán bộ cơ sở không mặn mà với công việc này”.

Hiện nay cả nước có 4.703/11.198 xã, phường, thị trấn có NVH (42%) với diện tích trung bình trong nhà đạt khoảng 200m2/nhà. Có khoảng 30% NVH cấp xã có diện tích đạt 1.000m2/nhà.
(Nguồn: Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VHTTDL)

Ông Nguyễn Văn Bộ- Trưởng phòng Văn hoá- Thông tin huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) cho biết: “Huyện đã thí điểm bằng cách tách chủ nhiệm NVH xã, thị trấn, chuyển giao nhiệm vụ này cho một đồng chí cán bộ bán chuyên trực tiếp làm chủ nhiệm (mức lương từ 250.000- 290.000 đồng/tháng).

Hiệu quả có tốt hơn nhưng do chế độ đãi ngộ không đảm bảo nên nhiều người đã từ chối nhiệm vụ”. Tình trạng này hầu như ở đâu cũng gặp, như ông Lưu Khắc Vân- Trưởng phòng Văn hóa huyện miền núi Thạch Thành (Thanh Hoá) cho biết: “Chúng tôi đang phải chờ HĐND tỉnh quyết định thì mới chọn người làm chuyên trách công việc này, còn hiện nay, không có thù lao, trợ cấp gì nên chẳng ai muốn đảm nhiệm việc ấy cả”.

Thông tin từ Sở VHTTDL Quảng Nam, ở địa phương này hiện có gần 40% NVH thôn không có người quản lý, phụ trách và tổ chức được các hoạt động vui chơi, sinh hoạt, hưởng thụ giá trị văn hóa đúng nghĩa. “Việc xây dựng NVH là đúng, nhưng xây rồi để đó thì gây lãng phí. Vì vậy, song song với việc đầu tư xây dựng NVH, tôi nghĩ, nên đầu tư đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, có sức duy trì hoạt động NVH thì mới là nhân tố quyết định mục tiêu đề ra”- ông Lê Bá Vương - Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình bày tỏ.

----------------

Kỳ 3: Mơ một mái đình hiện đại