Dân Việt

Nhiều nỗi lo mô hình trường học mới

Nguyễn Hà 12/11/2015 13:43 GMT+7
Sau 3 năm triển khai mô hình trường học mới VNEN ở cấp tiểu học, năm học 2015-2016, Bộ GD&ĐT mở rộng triển khai mô hình này ở cấp THCS. Theo các trường, có nhiều nỗi lo một khi áp dụng mô hình này rộng rãi hơn, nếu không đảm bảo được điều kiện và giám sát được chất lượng.

Lớp 2A, Trường Tiểu học Thạch Linh (thành phố Hà Tĩnh) giờ học Tiếng Việt khá sôi nổi vì tiếng đọc bài, thảo luận của học sinh. Lớp hơn 30 học sinh chia thành 5 nhóm, mỗi nhóm 4-6 em chụm đầu thảo luận bài học mới. Thấy có khách, Trưởng ban đối ngoại 7 tuổi dõng dạc, tự tin lên khởi động màn chào hỏi, giới thiệu góc thư viện lớp học, góc trưng bày sản vật quê hương, hộp thư tâm tình với cô giáo. Châu Anh học sinh lớp 2A chia sẻ: “em rất thích được học bài theo nhóm vì được trao đổi nhiều với các bạn”.

img

 Học sinh Trường THCS Nam Hà (Hà Tĩnh) học theo mô hình trường học mới.

Tương tự, ở khối lớp 3, thay vì cô giáo đứng trên bục giảng bài thì ở đây giáo viên đứng trên bục quan sát học sinh thảo luận theo chủ đề định trước. Khi thảo luận xong, nhóm sẽ cử một bạn trong nhóm báo cáo kết quả, sau đó cô giáo mới phân tích đúng, sai và những điều cần bổ sung. Nếu khó quá giáo viên sẽ tới hỗ trợ.

Sau khi triển khai mô hình trường học VNEN ở 129/267 trường tiểu học, năm học 2015-2016, Hà Tĩnh tiếp tục nhân rộng mô hình này lên cấp THCS với 14 trường. Theo cô giáo Lê Thị Quên, giáo viên Trường THCS Nam Hà sau hơn một tháng dạy học, ưu điểm mô hình này là giáo viên giảm tần suất phải nói, học sinh học bài chủ động, sôi nổi hơn. Chị Quên cho biết, khi kiểm tra hầu hết học sinh nắm được kiến thức nhưng đòi hỏi giáo viên phải linh hoạt để quan sát, đến từng nhóm hướng dẫn thêm học sinh những chỗ chưa hiểu. “Trước đây, lớp 35 em, khi giảng bài xong có 10 em chưa hiểu bài có thể tôi không nhận ra nhưng với phương pháp này đảm bảo các em đều hiểu được bài thông qua nhóm trưởng hoặc cô giáo giúp đỡ”, chị Quên nói.

Môn khoa học tự nhiên khó tự học

Bà Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi (Hoàn Kiếm - Hà Nội), chia sẻ quan điểm ủng hộ mô hình trường học mới. Tuy nhiên, để đạt kết quả các trường không nên áp dụng rập khuôn mà cần có giải pháp điều chỉnh ở những chỗ chưa sát thực tế. Bà Hồng ví dụ, dạy học VNEN giáo viên giảng bài rất ít nhưng những môn khoa học tự nhiên nếu nói ít học sinh không thể hiểu, không thể tự học. Hay như quy định giáo viên không soạn giáo án nhưng trường cũng yêu cầu họ phải có đề cương, nội dung yêu cầu của buổi học để duyệt.

“Nếu chưa đủ điều kiện (dạy theo mô hình VNEN), chưa giám sát được hết, ít năm nữa chúng tôi sợ sẽ bị mất chất lượng, khi đó không cứu vãn nổi” . 

     Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh Nguyễn Thị Hải Lý

Dù ủng hộ mô hình mới nhưng bà Hồng cũng băn khoăn, lứa học sinh này đến lớp 9 sẽ thi kiểu gì khi cách thi như hiện nay là tính điểm các năm học cộng điểm thi các môn. Ngược lại, dù đang thí điểm mô hình này nhưng bà Lê Thị Phấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung tâm nghiên cứu Bò và đồng cỏ Ba Vì lại chia sẻ quan điểm không ủng hộ. Bà Phấn cho rằng, học sinh tiểu học còn quá nhỏ để có thể tự học. Hơn nữa, mỗi lớp học còn trên 40 em, chia làm 5-7 nhóm thì giáo viên khó bao quát được học sinh để hướng dẫn từng nhóm. “Ngoài ra, việc không soạn giáo án, không chấm điểm cũng ảnh hưởng đến chất lượng dạy học”, bà Phấn nói.

Lo giáo viên “khoán trắng”, lo chất lượng sụt giảm

Ông Thái Văn Đạt, phụ huynh học sinh có con học lớp 4 theo mô hình VNEN đã 3 năm nay, nói: “Sau một thời gian, thấy chương trình giảm áp lực, con tự tin, chủ động tìm nhiều tài liệu ngoài sách vở để học cũng yên tâm hơn”. Tuy nhiên, theo ông Đạt, nếu chỉ theo chương trình, kiến thức đại trà quá, các cháu có khả năng nếu học chương trình này khó có thể vượt trội.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh Nguyễn Thị Hải Lý cho hay, có ý kiến cho rằng, dạy theo mô hình VNEN giáo viên không phải soạn giáo án, phải nói ít hơn, nhàn hơn bà đã rất giật mình. Bà Lý cho rằng, cách làm ưu việt nhưng nếu không kiểm soát được, giáo viên rất dễ khoán trắng cho học sinh tự học, tự quản. Vì thế, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh chỉ đạo, sau giai đoạn làm quen các trường phải chuyên sâu vào chất lượng. 

Cụ thể, yêu cầu giáo viên phải có sự chuẩn bị kỹ bài học, mở rộng kiến thức, có bài tập nâng cao để phát triển năng lực riêng cho từng học sinh. “Thực hiện đổi mới là cần thiết, nhưng phải có lộ trình và phương pháp thực hiện, quản lý. Hiện nay có nhiều trường tiếp tục đăng ký thực hiện mô hình này nhưng chúng tôi chưa cho, vì nếu chưa đủ điều kiện, chưa giám sát được hết, ít năm nữa chúng tôi sợ sẽ bị mất chất lượng, khi đó không cứu vãn nổi”, bà Lý nói.