Dân Việt

Một điều đáng sợ

06/07/2011 16:46 GMT+7
(Dân Việt) - Nữ sinh viên C.T.D của Trường Đại học Tây Nguyên tố cáo thầy giáo hướng dẫn luận văn tốt nghiệp dụ dỗ cô vào nhà nghỉ. Thầy giáo gạ tình sinh viên không phải là hiện tượng cá biệt, nó như một thứ ung nhọt trong hệ thống giáo dục, dư luận chỉ biết đến khi có người dám dũng cảm tố giác.

Người thầy làm chuyện vô đạo đức và phi giáo dục đó ban đầu loanh quanh chối cãi, nhưng cuối cùng cũng phải đối diện sự thật vì đã quá rõ ràng giấy trắng mực đen. Nữ sinh viên D cho báo chí biết: “Thầy đã mời em lên và nói rằng thầy là người nhắn tin chứ không ai khác. Thầy nói thầy thật buồn vì em đã làm đơn tố cáo thầy. Bây giờ thầy mong em tha thứ và rút lại đơn kiện”.

Thế là kịch bản sử dụng vợ làm bình phong thế mạng bất thành, đã gạ tình học trò, lại còn tính đường gian dối dùng vợ chịu thay, một người bình thường làm điều đó đã không ai có thể chấp nhận, người thầy đứng trên giảng đường đại học càng đáng lên án hơn.

Qua những vụ thầy giáo lợi dụng các kỳ thi hay hướng dẫn luận văn tốt nghiệp đại học để làm áp lực buộc nữ sinh viên quan hệ tình dục, cho thấy đạo đức của một bộ phận đang xuống cấp. Trong lúc này, thiết nghĩ cũng không cần phải che đậy, mà phải phanh phui tất cả những xấu xa trong trường học. Bệnh tật thì phải chẩn đúng và điều trị đúng thuốc, càng giấu giếm bệnh càng nặng.

Có những sự thực rất đau lòng, đó là sinh viên rất sợ những kỳ thi. Không phải sợ việc học, mà sợ những đòi hỏi khác từ phía người thầy. Không ít trường hợp học trò phải nộp tiền chung chi cho thầy. Chuyện như vậy ai cũng biết, nhưng xã hội chấp nhận nó như một việc tất nhiên. Không ai biết được có bao nhiêu nữ sinh viên bị gạ tình như sinh viên C.T.D, có những trường hợp phải chấp nhận và tất nhiên khi trót làm rồi thì không ai muốn nói ra vì chỉ có thiệt thòi cho bản thân. Một số người thầy “ăn quen nhịn không quen” nên cứ thế làm bừa, vì vậy mới có ngày lộ mặt.

Những trò bán mua bằng cấp bằng tiền bạc và xác thịt không chỉ làm đảo lộn đạo đức học đường, hạ thấp chất lượng đào tạo mà hậu quả ghê gớm hơn đó là truyền thống tôn sư trọng đạo có khả năng bị hủy hoại. Sinh viên là nạn nhân trực tiếp hay tận mắt chứng kiến cảnh mua bán đó sẽ đánh giá thấp, thậm chí coi thường người thầy. Dần dần hình ảnh người thầy sẽ bị méo mó, biến dạng, không còn đáng kính. Thật đáng sợ khi một xã hội mà học trò không còn niềm tin và sự kính trọng đối với người thầy.

Điều đó sẽ xảy ra nếu như không có sự chấn chỉnh kịp thời và quyết liệt trong đào tạo đại học. Bộ GDĐT cần phải có những đề án thông minh để giải quyết tận gốc mối hiểm họa này, nếu không làm được thì cho dù có nhiều đề án hàng nghìn tỷ đồng nhằm cải cách chương trình và đổi mới sách vở cũng kém ý nghĩa.n