Thầy giáo “3 ca”
Năm 1996, vừa ra trường, thầy giáo trẻ Vừ A Dy đã được phân công về điểm trường Noong Quang, xã Khoen On, huyện Than Uyên (Lai Châu). Điểm trường mới được thành lập nên chỉ có một lớp 1 với 11 em học sinh người Mông. Lớp được dựng tạm giữa bản bằng gỗ, bé như cái chuồng trâu. Học trò ở rải rác khắp quanh các sườn đồi.
Các thầy cô giáo cắm bản vất vả ở những điểm trường lẻ. Ảnh: L.S
Với lợi thế là người địa phương, lại biết tiếng Mông, cứ tưởng hành trình dạy chữ của thầy Dy sẽ đỡ vất vả hơn. Nhưng cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, lo cái ăn chưa xong nên nhiều phụ huynh chưa quan tâm đến việc học của con em mình. Thầy Dy đến tận nhà từng trò, dùng chính kinh nghiệm của mình để giảng giải cho phụ huynh.
Thầy bảo: “Như mình ngày xưa đi học cũng vất vả lắm, cả xã chỉ có 4 người là học lên cấp 2, rồi đi học thêm bổ túc. Đi học từ nhà ra tới huyện phải mất 2 ngày đi bộ, nhà chẳng có gì ăn, giữa đường đói lả đi, phải hái rau rừng, chặt măng mà ăn, thế nhưng mình vẫn cố gắng học, để có cái chữ sau này đỡ khổ”.
Cứ kiên trì bền bỉ vậy, học trò lần lượt lên lớp, thầy cô đông hơn, học trò đông hơn. Đến năm học 2000-2001, điểm trường này đã có đủ từ lớp 1 đến lớp 5. Cứ thế 19 năm liền, thầy giáo Vừa A Dy gắn bó với điểm trường bản Noong Quang. Thầy nổi tiếng với việc dạy học “3 ca” vì có thời điểm không có giáo viên mầm non nên thầy được phân dạy 3 ca liên tục: Buổi sáng dạy tiểu học, chiều dạy mầm non, tối dạy xóa mù chữ cho bà con trong bản.
Thầy Dy bảo: “Điều thầy tâm đắc nhất là các em sau khi học xong cấp tiểu học, vẫn tiếp tục lên học trung học và đến giờ lứa đầu tiên đã có 4 em theo học đại học”.
Cô giáo trẻ ở non cao
Đây là năm thứ 3, cô giáo trẻ Lò Thị Chiển công tác ở điểm trường lẻ của Trường Mầm non Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ (Điện Biên). Điểm trường có 1 phòng dành riêng cho 2 cô giáo của trường chỉ rộng 3m2 lợp bằng tranh tre vách nứa, chỉ đủ kê một chiếc giường nhỏ. Tất cả đồ đạc sinh hoạt cá nhân phải nhét xuống gầm giường.
Vì không có sóng điện thoại di động nên các thầy, cô giáo có sáng kiến dùng dây treo điện thoại lên cây để bắt sóng, có lúc muốn gọi điện thì bắc thang leo lên cây và ngồi lên đó nói chuyện với người thân.
Một năm, cô Chiển được về quê thăm chồng con có 2 lần. “Mỗi lần về thăm, con lại hỏi “Sao mẹ không ở với con?”. Tôi không biết làm thế nào chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Ở trường, mỗi lần nhớ chồng, nhớ con tôi chỉ còn biết tìm đến học sinh để chia sẻ, chăm sóc chúng, coi chúng như con mình mong khỏa đi nỗi nhớ. Tôi cũng muốn được chuyển công tác về gần nhà lắm chứ. Tuy nhiên, cứ nghĩ đến học trò vùng cao hồn nhiên, thiếu thốn cần mình là tôi lại không nỡ. Nếu được lựa chọn tôi muốn cả hai, cả chồng con, cả học sinh”- cô giáo Chiển tâm sự.
Đây là 2 trong số các thầy, cô giáo đã hy sinh tuổi xuân của mình tại các điểm trường vùng cao được về dự Lễ Tuyên dương giáo viên cắm bản tiêu biểu 2015.
Ngày 12.11, tại Hà Nội, 64 giáo viên công tác ở các điểm trường lẻ thuộc các huyện nghèo trên cả nước tề tựu trong Lễ Tuyên dương giáo viên cắm bản tiêu biểu năm 2015. Đây là chương trình do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ GDĐT và Tập đoàn Thiên Long tổ chức, nhằm tuyên dương các giáo viên ở điểm trường lẻ tiêu biểu trên phạm vi cả nước. |