Dân Việt

Đất nhỏ, thu nhập không nhỏ

06/07/2011 05:03 GMT+7
(Dân Việt) - Trên mảnh đất 800m vuông, anh Võ Thanh Tùng (ấp Lộc Tiền, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, Long An) dành phần lớn để “quy hoạch” theo mô hình “nông nghiệp đô thị” mà nông dân TP.HCM đang thực hiện rất thành công.

Lương nhân viên bán hàng của công ty dầu nhớt cộng với lương công nhân của vợ đủ để vợ chồng anh Võ Thanh Tùng (ấp Lộc Tiền, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, Long An) trang trải cho mẹ và đứa con 3 tuổi. Nhưng, chàng thanh niên 30 tuổi này không chịu ngồi yên.

“Vợ chồng tôi được thừa kế 800m2 đất thổ cư của cha mẹ, chả lẽ chỉ quanh quẩn cặm dây khoai lang, vài liếp rau” – anh Tùng tâm sự. Dành gần 100m2 cất nhà và hệ thống công trình sinh hoạt gia đình, diện tích còn lại anh “quy hoạch” theo mô hình “nông nghiệp đô thị” mà ND TP.Hồ Chí Minh đang thực hiện rất thành công.

img

Anh Tùng bên vườn cây sứ kiểng.

Phần đất làm sân trước cửa, anh trồng cây kiểng (cảnh) giá trị: Sứ Thái mai chiếu thủy, mai vàng ghép, thiên tuế… 400m2 sau nhà không bằng phẳng, anh xây chuồng nuôi heo rừng lai và gà chọi. Phần đất thấp anh trồng rau muống, khoai lang làm thức ăn chăn nuôi. Năm 2009, anh đầu tư 3,9 triệu đồng mua 2 heo nái và 1 heo nọc. Sau 2 năm, heo mẹ đẻ lứa đầu tiên.

Anh còn tranh thủ học lớp dạy nghề trồng hoa-cây kiểng ở Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm Cần Giuộc; đăng ký học khóa “Kỹ thuật bonsai” ở Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh. Những kiến thức học được giúp anh áp dụng ngay trên diện tích sản xuất nhỏ của mình. Ngoài ra, anh còn mở dịch vụ chăm sóc, uốn, cắt hoa kiểng cho ở một số doanh nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh với thu nhập mỗi tháng 3 triệu đồng.

“6 giờ rưỡi sáng tôi lên công ty ở quận 5 TP.Hồ Chí Minh làm việc; 18 giờ về tới nhà, nghỉ mươi phút rồi ra kiểm tra chuồng trại, cho heo và gà ăn sau đó tưới kiểng hoặc tạo dáng cho cây. Nếu biết tận dụng thời gian và kiến thức được học thì dù diện tích nhỏ vẫn cho thu nhập cao”- anh Tùng khẳng định.