Dân Việt

Người sản xuất cần đồng hành với doanh nghiệp

06/07/2011 05:00 GMT+7
(Dân Việt) - Đầu năm 2011, HTX nông nghiệp Phước Trung (Hậu Giang) hồ hởi đón nhận chứng chỉ GlobalGAP đầu tiên trên cây lúa trong tỉnh. Thế nhưng chỉ ngay sau đó vài tháng thì cả HTX buồn xo vì kết quả gần như ngược lại với những gì mình mong muốn.

Ông Hà Minh Triều - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Phước Trung, than thở: “Lúa đầu tư lấy chứng chỉ GlobalGAP chi phí đắt hơn lúa trồng theo kiểu truyền thống, nội tiền lấy rồi tái nhận chứng chỉ qua mỗi năm đã gần cả trăm triệu đồng. Ấy thế mà lúa bán ra giá lại cào bằng với lúa thường, có lúc thậm chí còn thấp hơn làm chúng tôi thất vọng hết sức”.

img

Siêu thị là kênh phân phối hiệu quả cho các sản phẩm GAP.

Trong khi đó, cũng cùng mô hình lấy chứng chỉ GlobalGAP trên cây lúa, nhưng HTX Mỹ Thành (Tiền Giang) lại sống khỏe re, phởn phơ với giá lúa bán ra lúc nào cũng cao hơn lúa thường 20%. Nguyên nhân theo GS.TS.Võ Thị Gương của Trường ĐH Cần Thơ, người cùng chủ nhiệm đề tài với HTX Phước Trung trong việc lấy GlobalGAP cho cây lúa Hậu Giang, là do HTX Phước Trung đã không tìm được đầu ra, mà cụ thể ở đây là một doanh nghiệp bao tiêu cho sản phẩm của mình, cùng đồng hành với mình ngay từ đầu.

Ông Huỳnh Văn Thạnh -Phó Tổng giám đốc Công ty CP Lương thực Hậu Giang, cho biết, công ty ông không đồng ý bao tiêu sản phẩm của HTX Phước Trung vì cần phải có một chương trình liên kết giữa doanh nghiệp tiêu thụ và nhà sản xuất được lên kế hoạch ngay từ đầu. Công việc này bao gồm từ việc nghiên cứu thị trường, thiết kế bao bì, nhãn mác đến việc quảng bá thương hiệu. Ngoài ra, phải là một diện tích canh tác lớn hàng mấy trăm, thậm chí cả nghìn ha, chứ không thể nhỏ lẻ chục ha như của HTX Phước Trung.

Trước đó, HTX Quyết Thắng với việc lấy chứng chỉ VietGAP cho khóm Tân Phước, HTX vú sữa Lò Rèn (cùng ở Tiền Giang) từng chạy đôn chạy đáo lo chạy tiền tái nhận chứng chỉ cũng như lo cho đầu ra của sản phẩm, chỉ vì không có một nhà tài trợ. “Hiện nay việc làm GlobalGAP và cả VietGAP nhiều nơi còn làm theo phong trào chứ chưa quan tâm đến đầu ra và thị trường tiêu thụ, trong khi đây lại là khâu quyết định sự thành bại cho cả chương trình” – GS.TS Nguyễn Thơ, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM đánh giá.

TS Nguyễn Trịnh Nhất Hằng - Trưởng phòng Canh tác, Viện Cây ăn quả Miền Nam cho biết, hiện việc phát triển VietGAP cho cây ăn quả ở ĐBSCL trong các dự án mà Viện thực hiện đều gắn liền với doanh nghiệp ngay từ đầu. Nhờ đó, các mô hình nhãn Long Hòa, bưởi da xanh Phú Thành (lấy chứng chỉ VietGAP), chôm chôm Chợ Lách (lấy GlobalGAP) của tỉnh Bến Tre đều có các doanh nghiệp Hương Miền Tây, Chánh Thu… bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn sản phẩm thông thường từ 15 - 20%.