Dễ nhận thấy nhất là từ trong nhà đến các ngõ xóm đã vắng bóng rác thải. Là một xã thuần nông được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Hà Tĩnh, những năm qua, Thiên Lộc luôn là điểm dẫn đầu và là mô hình điểm để các địa phương khác học hỏi về xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp.
“Sống như ở thành phố”
Kiểm tra sản phẩm phân xanh sau quá trình ủ rác. |
Ông Đặng Phúc Vượng - Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc chia sẻ: Là xã miền núi và thuần nông với hơn 7.430 nhân khẩu, bên cạnh việc chú trọng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, địa phương đã xác định phải đi đôi với việc bảo vệ môi trường sạch đẹp, bền vững. Tuy nhiên để làm được việc này không hề đơn giản, đặc biệt là phải thay đổi nhận thức cho bà con.
Thông qua 52 tổ liên gia, xã tập trung tuyên truyền đến từng hộ nông dân về việc bảo vệ môi trường và thu gom và phân loại rác thải sinh hoạt trong từng gia đình. Sau 2 năm, xã Thiên Lộc đã thành lập một đội thu gom rác thải gồm 22 người, mỗi xóm có một người hàng ngày đi thu gom rác thải sinh hoạt của các gia đình rồi vận chuyển đến vùng quy định để chôn lấp. Để duy trì được tổ thu gom rác này, mỗi hộ dân đóng góp 6.000 đồng/tháng.
Dịch vụ mang tính công ích này đã thật sự thu hút được sự đồng thuận và ủng hộ của người dân. Nhờ thế, chỉ một thời gian ngắn triển khai, môi trường ở trong làng, xã thật sự thay đổi. Bà Nguyễn Thị Tâm (xóm 2), cho biết: “Từ ngày tổ thu gom rác của các xóm được thành lập, ngày nào đường làng ngõ xóm cũng được quét dọn sạch sẽ, cuộc sống của dân chúng tôi bây giờ gần giống thành phố rồi”.
Thành lập HTX môi trường
Không chỉ dừng lại ở đó, đầu năm 2010, xã Thiên Lộc đã thành lập Hợp tác xã môi trường (HTX). Ngoài chức năng thu gom rác thải sinh hoạt trong khu dân cư, HTX còn có các nhiệm vụ như: Dịch vụ vệ sinh công cộng, môi trường, cây xanh, quản lý công trình xanh sạch nông nghiệp nông thôn bền vững.
Đầu năm 2011 này, được sự giúp đỡ của Hội ND Hà Tĩnh, xã Thiên Lộc đã xây dựng thành công và đưa vào sử dụng lò xử lý rác thải hữu cơ thành phân xanh để bón cho cây trồng đầu tiên ở vùng nông thôn Hà Tĩnh. Lò xử lý rác thải này có sức chứa 29m3 và được vận hành bằng phương pháp dùng chế phẩm sinh học EM ủ rác theo quy trình liên tục sau khoảng 30 ngày cho ra sản phẩm phân xanh.
Toàn bộ kinh phí xây dựng công trình gần 500 triệu đồng, gồm có lò xử lý rác thải rác, các hố đựng rác tạm thời và trang bị đồng bộ cho mỗi hộ gia đình tại xã Thiên Lộc 2 túi đựng rác (hơn 1.800 hộ), 20 xe vận chuyển rác và dụng cụ bảo hộ lao động.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Anh - Chủ tịch Hội ND Hà Tĩnh, nhận định: Từ thành công trong việc xây dựng lò xử lý rác thải, Hội ND đã hướng dẫn và hỗ trợ cho Thiên Lộc liên kết với các nhà khoa học và doanh nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất nông sản an toàn, xây dựng thương hiệu rau Thiên Lộc.
Hữu Anh