Như báo NTNN đã thông tin, ngày 12.11, Thanh tra Bộ NNPTNT, Cục Cảnh sát môi trường (C49, Bộ Công an) đã tiến hành thanh tra đột xuất trụ sở Công ty TNHH Sản xuất thức ăn chăn nuôi Trường Phú ở Khu công nghiệp Cẩm Thượng, TP.Hải Dương, bắt quả tang, công ty này đang sử dụng 14 kg chất vàng ô – một chất không nằm trong danh mục được phép sử dụng sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) - để trộn vào TACN nhằm đưa ra thị trường tiêu thụ.
Đây là lần đầu tiên, việc sử dụng chất cấm tại một công ty sản xuất TACN bị bắt quả tang. Dư luận đang đặt câu hỏi: Các cơ quan chức năng có thể khởi tố vụ án và xử lý hình sự đối tượng cố tình sử dụng chất cấm này?
Vẫn còn nhiều khúc mắc
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NNPTNT) cho biết, các quy định hiện hành chưa đủ sức răn đe đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Cụ thể, theo ông Dũng, đối với trường hợp của Công ty TNHH Sản xuất thức ăn chăn nuôi Trường Phú bị bắt quả tang sử dụng chất vàng ô, hiện các cơ quan chức năng tiếp tục gửi mẫu đi kiểm nghiệm. Đồng thời, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục kiểm tra các đại lý của Công ty Trường Phú.
Các cơ quan chức năng phát hiện chất vàng ô tại Công ty TNHH Sản xuất thức ăn chăn nuôi Trường Phú (Khu công nghiệp Cẩm Thượng, TP.Hải Dương). Ảnh: T.X
“Việc đưa ra quyết định xử phạt đối với công ty này sẽ chờ vào kết quả của kiểm nghiệm và kiểm tra các đại lý. Tuy nhiên, đề xử lý hình sự là sẽ rất khó, vì theo quy định của pháp luật hiện hành có quy định là phải “gây hậu quả nghiêm trọng”, nhưng với hành vi của công ty này lại chưa làm cho ai bị chết ngay, mà nó sẽ có tác động tới sức khoẻ của người sử dụng sản phẩm chăn nuôi có ăn TACN do Trường Phú sản xuất, một cách từ từ theo nhiều năm tháng”- ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng cho biết, theo khai nhận của chủ Công ty Trường Phú thì bắt đầu sản xuất TACN từ tháng 8.2015, nhưng việc phối trộn chất vàng ô từ bao giờ thì chỉ có họ mới biết chính xác. Theo ông Dũng, vấn đề sửa đổi quy định của pháp luật hiện hành đã được kiến nghị lên Quốc hội, cho đến khi chưa có quy định mới sẽ rất khó gửi hồ sơ xử lý hình sự. Hiện nay dù các cơ quan chức năng có phát hiện các vụ việc liên quan tới chất cấm, nếu chỉ xử lý phạt hành chính sẽ không đủ sức răn đe.
Đại tá Trần Trọng Bình – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49) cho biết: “Các nhà khoa học đã đưa ra con số báo động về tỷ lệ người bị ung thư, mỗi năm có tới 150.000 – 200.000 người mắc mới và chỉ riêng năm 2014 là 82.000 ca. Chúng ta dù có xây thêm bao nhiều bệnh viện và giường bệnh cũng không thể đáp ứng được nếu tình trạng mất an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay”.
Sửa đổi ngay các quy định
Theo đại tá Bình, quy định của pháp luật hiện hành thì chỉ có hành vi buôn bán, tàng trữ những loại chất cấm (như Salbutamol, Clenbuterol…) mới xử lý được, còn hành vi sử dụng chất cấm thì chưa có quy định xử lý cụ thể. Mặt khác, theo Điều 244 của Bộ luật Hình sự, vi phạm về an toàn thực phẩm phải gây hậu quả nghiêm trọng mới bị xử lý hình sự, tức là có người chết, ngộ độc hàng loạt…
Tuy nhiên, vị đại tá này cho rằng, người ta đưa các chất độc hại vào thức ăn chăn nuôi cho lợn, gà ăn, thì khi người ăn các sản phẩm có tồn dư chất độc hại này thì lâu dài vẫn nguy hiểm sức khỏe, tính mạng. “Do đó, theo tôi, dù chỉ đưa một lượng chất cấm vào trong chăn nuôi là đã vi phạm pháp luật. Bởi các chất đã cấm, nếu anh cố tình sử dụng là đủ cấu thành tội để xử lý hình sự”- đại tá Bình nói.
Theo ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), nếu như trước đây chủ yếu các cơ quan chức năng phát hiện các vụ việc liên quan tới nhóm chất cấm tăng trọng lợn, thì gần đây lại xuất hiện thêm cả chất vàng ô được đưa vào để sử dụng tạo màu vàng cho da gà, vịt, thịt lợn có màu hồng đẹp. Đây là hành vi vô đạo đức của những người sản xuất bởi ngay trên bao bì của chất vàng ô đã ghi rõ, chỉ được phép sử dụng trong công nghiệp nhuộm vải, giấy, xây dựng, nghiêm cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm và sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Ông Vân cho biết: “Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, thì chất vàng ô còn tồn dư trong thực phẩm, mà con người khi ăn phải sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư. Cục Chăn nuôi đã soạn thảo thông tư sửa đổi về quản lý TACN, trong đó đã bổ sung thêm chất vàng ô vào danh mục cấm. Dự thảo thông tư sửa đổi này đã được trình lên Bộ trưởng Bộ NNPTNT và dự kiến sẽ được ban hành ngay trong tuần tới. “Đối với quy định hiện hành của pháp luật, hiện có nhiều ý kiến đều phản ánh là các quy định còn quá chung chung, rất khó để xử lý hình sự, tạo sức răn đe”- ông Vân nói thêm.
Theo nhiều chuyên gia và các cơ quan chức năng, hiện việc sử dụng chất Vàng ô diễn ra khá phổ biến, nhưng nếu chỉ xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 119 sẽ không đủ sức răn đe các đối tượng này, vì mức xử phạt quá nhẹ.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Công ty luật Đại Nam): Vẫn có thể xử lý hình sự Theo quy định hiện hành, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi mới chỉ dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 9.10. 2013 của Chính phủ. Việc xử phạt còn nhẹ chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm ngày càng gia tăng. Trong khi đó chất vàng ô lại không nằm trong trong danh mục chất cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi - đó là kẽ hở của pháp luật. Bởi vậy để có căn cứ xử lý, trước tiên phải đưa chất vàng ô vào danh mục cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi và nâng mức xử phạt hành chính. Nhưng trong tình trạng sử dụng chất cấm bừa bãi, hỗn loạn như hiện nay, xử lý như thế vẫn chưa đủ mà cần phải hình sự hóa hành vi này mới đủ sức răn đe. Luật Hình sự có khái niệm tội phạm cấu thành hình thức, theo đó chỉ cần thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã là đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà không nhất thiết phải có hậu quả xảy ra. Ví dụ như tội hiếp dâm, người sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để thực hiện hành vi giao cấu với nạn nhân trái ý muốn của họ thì cho dù đã giao cấu được hay chưa vẫn phạm tội hiếp dâm. Cho chất cấm vào thức ăn chăn nuôi gây tổn hại đến sức khỏe và tính mạng con người – theo tôi đó là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Như vậy là có đủ cơ sở thực tiễn và khoa học để bổ sung một tội danh mới vào Bộ luật Hình sự. Lê Chiên (ghi) |