Hiện trường một vụ xả súng ở bên ngoài một nhà hàng ở Paris đêm qua (13.11).
Tổng thống Mỹ Barack Obama là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên gửi lời chia buồn đến nước Pháp sau các vụ tấn công đẫm máu tại nhiều địa điểm trên ở khắp thủ đô Paris khiến ít nhất 153 người thiệt mạng đêm thứ Sáu (13.11).
"Chúng ta lại chứng kiến một vụ tấn công gây phẫn nộ nhằm vào thường dân vô tội. Đây không chỉ là vụ tấn công nhắm vào Paris hay người dân Pháp, mà là cuộc tấn công chống lại tất cả nhân loại cùng những giá trị phổ quát mà chúng ta chia sẻ. Chúng tôi đã chuẩn bị và sẵn sàng cung cấp bất cứ sự trợ giúp nào người dân Pháp đang cần".
"Đây là một thảm kịch đau lòng, và rõ ràng người dân Mỹ hiểu rõ tình huống này. Chúng tôi cũng từng hứng chịu những vụ tấn công tương tự. Mỹ sát cánh cùng nước Pháp trong cuộc chiến chống khủng bố và những kẻ cực đoan. Những phần tử cho rằng, chúng có thể tấn công khủng bố và gây ra nỗi sợ hãi cho người dân Pháp, thì bọn chúng đã sai lầm. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Pháp để đưa những kẻ khủng bố ra trước công lý", Tổng thống Obama tuyên bố.
Tổng thống Mỹ Obama đã lên tiếng bày tỏ sự phẫn nộ trước các vụ tấn công đẫm máu ở Paris và gửi lời chia buồn đến nước Pháp.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden gửi "lời chia buồn sâu sắc nhất tới tất cả những người bị thương và gia đình những người đã thiệt mạng trong các vụ tấn công khủng bố đêm qua ở Paris".
Ngoại trưởng John Kerry nhấn mạnh, Đại sứ quán Mỹ ở Paris đang "nỗ lực để hỗ trợ các công dân Mỹ đang ở trong thành phố, và trong những ngày tới, chúng tôi sẵn sàng cung cấp bất cứ hỗ trợ nào khi chính phủ Pháp yêu cầu".
Trong một thông điệp được đăng tải trên Twitter ngay trong đêm xảy ra các vụ tấn công đẫm máu ở Paris, Thủ tướng Anh David Cameron viết: "Tôi bàng hoàng trước những vụ việc xảy ra ở Paris đêm nay. Những suy nghĩ và lời cầu nguyện của chúng tôi lúc này đều hướng về người dân Pháp. Nước Anh sẵn sàng nỗ lực để giúp đỡ Pháp".
Thủ tướng Anh David Cameron đã đăng thông điệp bày tỏ sự bàng hoàng trước các vụ tấn công đẫm máu ở Pháp
Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel chia sẻ, bà đang bị "chấn động sâu sắc bởi tin tức và những hình ảnh từ Paris" và toàn bộ tâm trí bà hiện hướng về phía các nạn nhân trong một loạt "các vụ tấn công khủng bố".
Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nhấn mạnh, liên minh NATO sẽ ủng hộ "mạnh mẽ và đồng lòng" cùng với Pháp trong cuộc chiến khủng bố. Ông cũng chia sẻ nỗi đau với gia đình các nạn nhân cũng như toàn thể người dân Pháp.
“Tôi vô cùng bàng hoàng trước những vụ khủng bố trên khắp Paris đêm nay. Tôi xin chia sẻ với gia đình các nạn nhân, những người bị ảnh hưởng hay toàn thể nhân dân Pháp. Chúng tôi sẽ đoàn kết trong cuộc chiến chống khủng bố. Chủ nghĩa khủng bố không bao giờ có thể đánh bại dân chủ”, ông Stoltenberg tuyên bố.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon lên án "những cuộc tấn công khủng bố hèn hạ" ở Paris và yêu cầu các tay súng ngay lập tức trao trả tự do cho những con tin bị bắt giữ tại phòng hòa nhạc Bataclan ở trung tâm Paris.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm nay cũng cho hay, ông bị sốc và đau buồn trước việc có quá nhiều người thiệt mạng và bị thương trong các vụ tấn công khủng bố ở Paris, Pháp.
Tổng thống Pháp Francois Hollande trong bài diễn văn quốc gia đã gọi đây là “một vụ tấn công khủng bố chưa từng có tiền lệ” và là “một nỗi kinh hoàng!”. Trong một dòng trạng thái đăng tải ở Twitter, ông viết: “Chúng ta phải đối mặt với khủng bố. Pháp phải biết tự bảo vệ mình, huy động lực lượng và vượt qua khó khăn”.
Tổng thống Pháp cũng cho biết chính quyền đã huy động toàn bộ lực lượng đảm bảo an ninh tại những địa điểm trong nhóm nguy cơ bị tấn công. "Vào thời điểm này, thủ đô có thể bảo đảm sẽ không bị tấn công".
Các vụ tấn công đẫm máu ở bên trong và xung quanh Paris diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu dự kiến được tổ chức tại thủ đô nước Pháp vào ngày 30.11 với sự tham dự của hơn 190 lãnh đạo thế giới.