Dân Việt

Người hùng với những hủ tục rợn người

21/12/2011 12:48 GMT+7
(Dân Việt) - Nhớ lại thời điểm cách đây khoảng 2 năm, trung tá Ninh Xuân Trường không khỏi rùng mình khi nhắc đến hủ tục giữ người chết trong nhà của người dân tộc Mông.

Không chỉ làm tốt công tác bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh trật tự tại các xã vùng cao, những người lính biên phòng ở vùng biên Bát Xát còn phải đấu tranh với những hủ tục lạc hậu đã ăn sâu bám rễ vào đời sống bà con người dân tộc thiểu số tại địa phương.

Chết mãi không chôn

Nhớ lại thời điểm cách đây khoảng 2 năm, trung tá Ninh Xuân Trường - Chính trị viên Đồn Biên phòng 273 (Y Tý, Bát Xát) không khỏi rùng mình khi nhắc đến hủ tục giữ người chết trong nhà của người dân tộc Mông.

img
Các chiến sĩ Đồn Biên phòng 267 rèn luyện võ thuật.

Trung tá Trường cho biết: "Nếu có người thân chết, người dân tộc Mông thường giữ thi thể trong nhà hàng chục ngày để cúng tế và tìm ngày đẹp làm ma. Ngày đầu tiên, họ trói thi thể vào cột giữa nhà, bên cạnh để một chậu cơm. Con cháu ai đến viếng cũng đều xúc một thìa cơm đút vào miệng người chết để tỏ lòng biết ơn.

Sau một ngày, họ đặt thi thể người chết lên một tấm ván, dưới cắm bốn cái cọc xuống nền nhà làm chân rồi cứ để thế cho đến khi nào tìm được ngày tốt mới đem chôn. Có những gia đình để người chết trong nhà đến mấy chục ngày trời gây ô nhiễm nặng nề môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe của những người đang sống".

Dù bây giờ đã là một người chỉ huy dạn dày kinh nghiệm với hơn 20 năm lăn lộn ở vùng biên, nhưng trung tá Trường vẫn không thể nào quên được lần đầu tiên vào nhà một người Mông ở xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát để vận động họ đưa người chết đi chôn.

Khi có mặt ở nhà tang chủ, người lính trẻ Ninh Xuân Trường đã suýt ngất xỉu và phải chạy ra ngoài nôn thốc nôn tháo khi nhìn thấy xác chết đã bắt đầu chảy nước và có dấu hiệu phân hủy được đặt trên tấm ván giữa nhà.

Một thanh niên - chắc là con của gia chủ đứng bên cạnh cầm một túm rơm phe phẩy trên mặt người chết để... đuổi ruồi. Sợ hãi là vậy nhưng khi gia chủ dọn cơm rượu ra, anh Trường vẫn phải nén những cơn co thắt dạ dày để ăn uống nhiệt tình lấy lòng gia chủ nhằm vận động họ đưa người chết đi chôn.

Sau 2 năm trời kiên trì phối hợp cùng chính quyền địa phương và các già làng, các chiến sĩ biên phòng đã vận động được các gia đình người Mông xóa bỏ hủ tục lạc hậu và gây ô nhiễm môi trường trên. Đến nay, các gia đình có người mất đã thực hiện việc để người chết vào quan tài và không để trong nhà lâu quá 48 tiếng. Nếu gia đình nào có người đi xa chưa về kịp thì có thể để sang ngày thứ 3.

Ngày trước, người Mông có tục buộc dây vào quan tài kéo lê trên núi, nếu quan tài mắc ở đâu thì chôn ở đấy, vì "con ma muốn vậy". Nhưng giờ đây, nhờ sự vận động của những người lính biên phòng nên hủ tục này đã không còn.

“Giết” con ma ở người bệnh

Một thắng lợi nữa của những người lính vùng biên cương này là vận động được đồng bào người dân tộc đưa người ốm đi khám tại các cơ sở y tế và bệnh viện, thay vì mời thầy mo đến làm lễ cúng ma vừa tốn tiền vừa không hiệu quả.

Đại úy Lương Khắc Của - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng 267 ở xã A Mú Sung cho hay: "Thường thì khi trong nhà có người bị bệnh, bà con thường hay mời thầy đến cúng ma. Nếu khỏi thì thôi, không khỏi thì chết chứ nhất quyết không đưa người bệnh ra cơ sở y tế. Việc sinh nở, họ cũng tự đỡ đẻ cho nhau nên đã không ít trường hợp chết cả mẹ và con. Một hủ tục rất thương tâm nữa là những đứa trẻ khi chết thì đều bị người nhà chặt xác ra thành từng mảnh và vứt vào nhiều nơi trong rừng già. Họ quan niệm rằng, chặt xác ra như thế để con ma không nhập lại được nữa”.

Cán bộ chiến sĩ biên phòng đã phải xuống sinh hoạt 4 cùng với người dân (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) để có thể tìm ra, thu gom chôn cất cho những đứa trẻ xấu số, đồng thời vận động người dân xóa bỏ hủ tục đau lòng này. Bây giờ, những người ốm và sinh nở đã được đưa đến các cơ sở y tế nên giảm thiểu được số lượng người tử vong đáng tiếc.

Không ít thầy cô giáo vào bản vận động trẻ em đi học bị chính các học trò vác dao rượt đuổi vì không muốn đến trường. Cuối cùng cũng lại chính các chiến sĩ biên phòng phải xuống tận các gia đình khuyến khích, vận động, rồi mua tặng sách, bút đưa các em trở lại trường.

Đại úy Của cho biết thêm, ở vùng cao, gắn bó với người dân, những người lính biên phòng còn phải vận dụng "cái lý của người Mông" để có thể làm tốt công tác tại địa bàn. Bản thân anh Của đã phải đứng ra xử một vụ án có lẽ chỉ có ở vùng cao với "cái lý của người Mông" mà không thể áp dụng bất cứ một bộ luật nào để xét xử.

Đầu năm 2011, có 2 người dân tộc Mông ở thôn Xín Chải, xã Pha Long dẫn nhau lên đồn biên phòng nhờ xét xử một vụ án rất đặc biệt là một con bò đực đã "phấn khởi" đuổi theo một con bò cái gắt gao đến mức "cô nàng" trượt chân rơi xuống vách đá chết.

Chủ của con bò cái đã bắt chủ của con bò đực phải đền tiền. Trước cái lý "chắc như đinh đóng cột" của chủ "cô bò", anh Của đành phải yêu cầu người chủ con bò đực nhận con bò cái bị ngã chết về xẻ thịt đem xuống chợ bán rồi thêm vào ít tiền mua đền con bò khác".

----------------

Bài 4: Máu người lính vẫn đổ