Dân Việt

Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp: Làm sao để dân yên tâm giữ rừng?

HỮU KÝ 17/11/2015 07:15 GMT+7
Mặc dù là ngành có kim ngạch xuất khẩu với giá trị cao từ 3,5-4 tỷ USD/nă m, nhưng trong lĩnh vực lâm nghiệp hiện nay, người trồng rừng vẫn còn rất khó khăn, thu nhập thấp, thậm chí nghèo. Chính vì thế, trong đề án tái cơ cấu, ngành lâm nghiệp đang đặt mục tiêu vừa giúp dân yên tâm giữ rừng, vừa nâng cao đời sống cho người trồng rừng.

Mỗi ha rừng chỉ đạt 7-8 triệu đồng/ha

Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho thấy, những năm gần đây giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tăng trưởng mạnh, bình quân đạt 6,7%/năm so với 5,3%/năm giai đoạn 2010 – 2012. Riêng 9 tháng đầu năm 2015, giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng đến 7,8% - đây là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Bình quân hàng năm cả nước trồng được trên 200.000ha rừng tập trung.

img

Người dân khai thác rừng trồng tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Ảnh: Hữu Ký

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, kinh tế rừng chỉ chiếm khoảng 3 – 3,3% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Diện tích đất rừng dù có tăng nhưng vẫn manh mún, phân tán làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực. Riêng rừng tự nhiên, 80% là rừng nghèo, tỷ lệ cây có đường kính lớn thấp và 90% trữ lượng gỗ thuộc nhóm gỗ tạp.

Ông Nguyễn Bá Ngãi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, giá trị thu nhập trên 1ha đất rừng chỉ đạt 7 – 8 triệu đồng/ha/năm. Điều này khiến đời sống người trồng rừng còn thấp, đa phần  chưa sống được bằng nghề trồng rừng. “Hiện nay tỷ trọng thu nhập từ lâm nghiệp chỉ chiếm 25% trong tổng thu nhập của nông dân, còn thu nhập bình quân ở vùng lâm nghiệp phát triển chỉ chiếm từ 40 - 50% tổng thu nhập”- ông Ngãi nói.

GS-TS Võ Đại Hải - Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam cho biết, hiện chỉ có khoảng 25- 30% giống cây lâm nghiệp mới được áp dụng vào sản xuất, chủ yếu là keo, bạch đàn. Công tác quản lý chất lượng giống chưa tốt, chưa thực hiện tốt quy trình trồng rừng nên sản lượng gỗ chỉ đạt từ 15 - 17 triệu m3/năm (trong đó  3 – 3,4 triệu m3 gỗ lớn).

Theo ông Hải, rừng trồng chủ yếu rừng gỗ nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Còn các rừng tự nhiên hiện chủ yếu là rừng nghèo và nghèo kiệt, các rừng này chỉ có biện pháp bảo vệ, khoanh nuôi chứ không có tác động, phục hồi rừng. Do đó nhiều chủ rừng có ý định trả lại diện tích tự nhiên nghèo.

Cần chính sách để giữ rừng

Ông Nguyễn Bá Ngãi cho rằng, ngành lâm nghiệp nước ta chưa phát triển do nhiều nguyên nhân như: Chưa gắn với giai đoạn chế biến; nhỏ lẻ manh mún, đầu tư của nhà nước chưa cao; chưa áp dụng KHCN, giống chất lượng cao vào sản xuất; thị trường phân khúc.

Là người gắn bó lâu năm trong ngành lâm nghiệp, ông Võ Trường Thành (Chủ tịch HĐQT Tâp đoàn Trường Thành – đơn vị trồng hơn 14.000ha rừng) cho rằng, cái khó lớn nhất đối với người trồng rừng là thiếu vốn. Người trồng rừng có cây rừng, có đất nhưng không thể đem cầm ngân hàng khi cần vốn. Do đó, nhà nước cần cho người trồng rừng được hưởng các gói vay lãi suất ưu đãi, chẳng hạn như cho vay đối với người có rừng trồng từ 4 năm trở lên để họ yên tâm giữ rừng.

Còn ông Nguyễn Chiến Thắng- Giám đốc điều hành Công ty Scansia Pacific (đơn vị đang trồng rừng tại một số tỉnh, thành) cho rằng, rất nhiều nước trên thế giới phát triển mạnh về rừng. Bởi họ có sự tham gia của các công ty, các tập đoàn. Còn ở nước ta việc trồng rừng chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún nên hiệu quả không cao. “Việc thay đổi, có các chính sách đối với người trồng rừng là rất cần thiết. Tương tự, nhiều ý kiến cũng cho rằng để phát triển ngành lâm nghiệp thì cần xem lại việc giao khoán đất rừng; sắp xếp, cơ cấu lại các công ty lâm nghiệp; cần tạo sự liên kết trong sản xuất lâm nghiệp; đồng thời ứng dụng các giống mới, các tiến bộ KHKT vào sản xuất lâm nghiệp…”- ông Thắng nói.

  Đề án Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp của Bộ NNPTNT đề ra mục tiêu cho ngành lâm nghiệp là: Tăng giá trị sản xuất bình quân 4 – 4,5%/năm; đáp ứng nhu cầu gỗ, lâm sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế và bảo vệ môi trường sinh thái. Đến năm 2020, diện tích đất lâm nghiệp của cà nước sẽ đạt khoảng 16,2 – 16,5 triệu ha.