Dân Việt

Ẩn họa dịch bệnh từ “đất sạch” để trồng cây

Minh Trung 18/11/2015 13:00 GMT+7
Không khó để tìm mua một bao "đất sạch" để trồng cây dọc các con đường lớn của TP.HCM, nhiều đại lý cây cảnh, bonsai đều có bán kèm.

Các nơi này đều có sẵn hàng để bán cho khách từ loại bao nhỏ nhất khoảng 5kg đến loại lớn hơn. Tại đây có 2 loại đất, một chỉ là đất và phải mua phân để bón kèm, loại còn lại nơi sản xuất đã trộn sẵn phân trong đó, người mua cứ thế đem về trồng.

img

Phần lớn đất sạch trên thị trường đều chưa có đăng ký chất lượng sản phẩm. Ảnh: M.T

“Đem đất này về anh chỉ cần đổ ra trồng, không phải bón phân, tiện lắm. Mấy người thích trồng cây lại chỗ em mua hoài. Có người đặt mua mỗi lần cả chục bao loại lớn”- một thanh niên tên Huy, bán đất trên đường Thành Thái, quận 10 nói.

Huy cho biết chỉ bán đất của hai công ty do nhiều người ưa dùng, đất tốt, cây mau lớn, ít tạp chất, rồi lôi ra một bao đất màu vàng có tên Đất sạch dinh dưỡng của công ty T. Trên bao bì của bao đất này ghi: “Sạch mầm bệnh, giàu dinh dưỡng, giải pháp toàn diện cho cây trồng”.

Ngoài ra còn có thông tin về các loại đất khác nhau như đất sạch giàu dinh dưỡng, đất trồng rau, đất trồng mai, đất trồng cây… Nhưng khi chúng tôi hỏi đất để trồng rau, Huy lại đưa bao đất sạch dinh dưỡng chứ không phải đất trồng rau. “Loại nào cũng vậy, đất đều sạch như nhau” - anh này cố giải thích khi khách thắc mắc.

Theo quan sát, các bao đất tại các điểm bán đều có địa chỉ sản xuất, nhưng phần lớn trong đó đều không có các thông tin về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hoặc nếu có chỉ ghi rất mập mờ như TCVN… Không bao bì nào có chứng nhận của các cơ quan, đơn vị chuyên trách. Thành phần chính của những loại đất này là mùn xơ dừa, các chất đạm, lân, kali, magiê…

Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới (TARCC), TP.HCM, khi nói đến đất sạch thì phải kể đến các tiêu chuẩn như sau: Không chứa kim loại nặng vì đây là những kim loại bị cấm hoặc hạn chế trong thực phẩm dành cho con người và các gia súc, gia cầm khác, có nguy cơ cao gây bệnh ung thư; không chứa các vi sinh vật gây bệnh, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại, thuốc trừ cỏ; không chứa những loại thuốc đã bị cấm sử dụng trong nuôi trồng, chế biến và bảo quản thực phẩm; không chứa trứng giun sán.

Ngoài ra, đã là đất sạch thì phải không có quá nhiều đạm, đó chính là ion NO3. Bởi vì chất này khiến cho cây phát triển xanh tốt nhưng nếu vượt ngưỡng thì sẽ chuyển thành ion NO2, khi gặp hồng cầu trong máu sẽ là yếu tố gây bệnh ung thư. “Hiện tại đã có các tiêu chí về đất sạch, tuy nhiên không cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, xử lý, đánh giá các loại đất này nên người dân muốn tìm đất sạch chỉ có hỏi… ông trời” - ông Nghĩa nói.