Ước mơ người lính
Tháng 11, mảnh đất Thanh Chương, Nghệ An đón chúng tôi bằng cái nắng gay người. Ngôi nhà gia đình chú Đặng Văn Lợi và cô Nguyễn Thị Huệ im lìm trên triền dốc. Từ khi cậu con trai út cũng lên đường nhập học, căn nhà vốn vắng vẻ giờ càng trở nên trống trải hơn. Tiếng búa tiếng đe vang vọng khắp vùng, người đàn ông gắp miếng sắt còn đỏ lửa ra khỏi bếp lò, người phụ nữ giơ cao chiếc búa nện chan chát xuống miếng sắt. Lúc đó đã là 7 giờ tối.
Công việc thường ngày của hai vợ chồng chú Lợi. Ảnh: Nguyễn Trà
Chú Lợi ngày xưa vốn là cậu học trò nghèo, học giỏi. Với thành tích học tập tốt chú là một trong số ít học sinh của trường được học vượt. Nhưng rồi mới học hết lớp 9, chú quyết tâm bỏ dở giữa chừng, quyết tâm lên đường nhập ngũ. Gần tám năm hành quân với vai trò quân báo, ngày trở về cả thân hình mang đầy vết thương lớn nhỏ, chú lập gia đình cùng cô Nguyễn Thị Huệ - người con gái cùng làng, cũng tham gia kháng chiến và sinh ba đứa con đặt tên: Đặng Hoàng Lê, Đặng Thùy Linh và Đặng Hoàng Quân.
Ngày xưa trình độ 10/10. Nhiều người tặc lưỡi, tiếc cho chú, chỉ cần chú gắng học hết năm nữa, với thành tích học tập tốt biết đâu giờ chú đang ngồi trên xe hơi hay ít ra cũng là thầy giáo làng chứ không phải trong căn phòng nhỏ, nóng hầm hập, bụi than như bây giờ. “Nếu ai cũng nghĩ như vậy thì ai lên đường. Những người đã hy sinh máu xương cho Tổ quốc chẳng ai nói tới, chút việc tôi làm có ý nghĩa chi. Tôi có sức khỏe thì tôi đi. Đất nước còn đau thì nhà mình sao yên được. Giờ tôi có ba đứa con ngoan, chúng được sống trong hòa bình, không phải suốt ngày nơm nớp bom đạn. Bạn tôi ngày xưa giờ nhiều người thành đạt, tôi cũng mừng cho họ” - chú cười khề khà.
Chú Lợi rất thích đọc sách, có sách hay chú còn thức thâu đêm để đọc. Chú bảo, thích đọc là một chuyện nhưng quan trọng đọc để có lúc con hỏi còn dạy cho con. Hỏi ra mới biết, con chú học từ lớp 1 đến lớp 9, ngoài thời gian đến lớp đều một tay chú kèm cặp. Nhiều đêm, bố con cùng thức đến khuya cùng làm bài. Những hôm con đi thi học sinh giỏi về, hai bố con lại đem đề ra cùng làm, bài nào không làm được, chú chẳng buồn ăn. Có những kiến thức mới, phương pháp dạy mới chú chưa biết, lúc rỗi rãi chú lại mang sách con ra học.
Làm thợ "đụng" nuôi ba con vào ĐH
Để có tiền nuôi các con ăn học, hai vợ chồng không ngần ngại thức khuya dậy sớm làm việc kiếm tiền. Bếp lò rèn của chú Lợi luôn đỏ lửa khi trời vừa sáng và chỉ tắt khi các gia đình khác đã quây quần bên mâm cơm tối. Sản phẩm chú làm là con dao, cây kéo, lưỡi hái, quốc… Mùa gặt đến, việc nhiều hơn, nhiều hôm chú phải làm đến 9, 10 giờ đêm mới nghỉ.
Mỗi chiếc liềm sau khi trải qua nhiều công đoạn được bán với giá 20.000 đồng. Ảnh: Nguyễn Trà
Không chỉ bán sản phẩm, những khi con dao, lưỡi liềm của bà con bị sứt mẻ, cùn… cũng mang qua nhờ chú làm sắc để còn cắt cỏ, gặt hái. “Ở quê, thường lấy công làm lãi. Như cắt chấu (làm sắc) con dao, cái quốc… cũng chỉ có giá 5.000 đồng, đây là giá mới tăng mấy năm nay chứ trước chỉ có 2.000 thôi” - chú Lợi kể.
Cô Nguyễn Thị Huệ ngoài làm ruộng còn nhận bốc ngói thuê, len lỏi theo những chuyến xe hàng nay đây mai đó. Có nhiều hôm, trời mùa đông rét cắt da cắt thịt, 11 giờ đêm, 4 giờ sáng có người gọi dậy bốc hàng cô vẫn phải đi. Cô chia sẻ: “Trời nắng người ta thuê mình, đến trời mưa mình nghỉ thì người ta tìm ai, sau này ai thuê mình nữa. Một xe ngói được trả 350.000, chia cho ba, bốn người cùng bốc. Vất vả nhưng tiền tươi thóc thật, về có tiền cho các con”. Hôm nào không có người thuê thì cô mang những sản phẩm chồng rèn được ra chợ bán. Vất vả là thế nhưng chưa bao giờ gia đình cô chú có suy nghĩ sẽ bảo con nghỉ học.
Không phụ lòng bố mẹ, ba đứa con của cô chú đều phấn đấu học giỏi, nhiều năm liền là học sinh toàn diện. Đặng Hoàng Lê và Đặng Thùy Linh đều thi đậu hai trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội và ĐH Y Hà Nội (khoa Bác sĩ đa khoa), trong đó khối B hai em đạt mức điểm xấp xỉ nhau: 26,5 điểm và 26 điểm (chưa tính điểm cộng). Đặng Hoàng Quân là em út nhưng cũng là người đạt số điểm cao nhất: 28,75 điểm khối A và 26,75 khối B, là một trong những thí sinh có điểm tuyển sinh khối A cao nhất tỉnh Nghệ An. Trước đó, Quân từng thi đậu chuyên toán của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu nhưng vì bố mẹ còn phải lo cho anh chị, nên em quyết định về trường ở quê học.
Thương bố mẹ, ngoài thời gian học, ba anh em lại tranh thủ phụ bố mẹ việc đồng: Gặt hái, nấu cơm, không ăn chơi, đua đòi… Hai bộ đồng phục trường cũng theo suốt ba anh em những năm cấp hai, cấp ba, đều được giữ gìn cẩn thận.
Đặng Thùy Linh hiện đang là sinh viên năm tư, Đại học Y Hà Nội. Gần năm năm đã trôi qua nhưng ký ức của những ngày mẹ lóc cóc đạp xe từ nhà đến lớp học thêm đón về vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ. “Em học thêm buổi tối. Mẹ em không biết đi xe máy. Nhưng đêm nào mẹ cũng đạp xe đi đón em về. Chị đừng cười nhưng em sợ ma với cả mẹ cũng lo con gái đi buổi tối nguy hiểm. Xe đạp của mẹ em gắn với thời học sinh của em đó chị, mẹ em đèo anh em, cho em ngồi phía trước. Rồi có lần, em về thì thấy mẹ, một sau mới thấy cả bố cũng đạp xe đến đón. Chắc là bố nghĩ, mẹ đi bốc ngói về không kịp, sợ em phải đi một mình".
Còn lắm nỗi lo toan Tính đến nay, số tiền gia đình cô chú vay vốn nhà nước để cho các con ăn học đã lên tới 60 triệu đồng. Năm nay chú Lợi đã 60 tuổi, cô Huệ cũng đã 54, sức khỏe cũng dần yếu đi. Những vết thương năm xưa lại hành hạ chú mỗi khi trái gió trở trời. Tháng trước chú còn bị ngất trong nhà vệ sinh. Bác sĩ bảo chú bị yếu tim, huyết áp cao… phải điều trị nhưng chú chỉ xin mấy viên thuốc về uống rồi thôi. “Nghỉ rồi thì ai nuôi con” - chú trầm ngâm. |