Ông Nguyễn Long Hoai – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau cho biết: Với đề án này sẽ làm giảm tối đa chi phí đầu tư so với các phương án trước đây. Hiện Cà Mau áp dụng phương pháp xây kè ngầm tạo bãi để trồng và khôi phục rừng. Tuy nhiên, phương án này chi phí khá tốn kém (1km cần hơn 30 tỷ đồng), trong khi đó, đề án này trồng hơn 2km2 rừng chỉ hơn 18 tỷ đồng.
Mô hình trồng rừng, chống sạt lở đê biển ở bán đảo Cà Mau đang phát huy hiệu quả. Ảnh: HOÀNG HẠNH
Những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự tăng trưởng và phát triển kinh tế, gia tăng dân số, khai thác quá mức tài nguyên môi trường… đã làm cho những vạt rừng ven biển ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng ngày càng bị thu hẹp, đe dọa đời sống và tài sản của hàng ngàn hộ dân. Tại Cà Mau, 2 tuyến đê biển Tây và Đông hiện có 12 điểm sạt lở nghiêm trọng (trong đó đê biển Đông có 8 điểm, đê biển Tây có 4 điểm) với tổng chiều dài trên 3km. Sạt lở xảy ra từng đoạn, mỗi đoạn vài trăm mét nhưng đoạn nào cũng nguy hiểm vì nước biển đã tràn tới chân đê. Cà Mau có khoảng 254km bờ biển, bao bọc bán đảo Cà Mau, tiếp giáp cả biển Đông và biển Tây (vịnh Thái Lan).
Theo ông Hoai, sạt lở bờ biển xảy ra từ năm 2007 đến nay, bình quân 15m/năm, cá biệt có những nơi lên đến 50m/năm. Theo thống kê có khoảng 3.810ha rừng phòng hộ biển Tây đã bị mất. “Là tỉnh có hệ sinh thái nửa mặn nửa ngọt, nên nếu đê biển bị sạt lở, nước mặn tràn vào ruộng sẽ tác động tiêu cực tới sản xuất và đời sống của người dân” – ông Hoai cho biết.
Ngành chức năng tỉnh Cà Mau khẳng định, việc khôi phục rừng ngập mặn chống xói lở và bảo vệ đê biển là nhiệm vụ cấp bách, không thể chậm trễ, cần phải có giải pháp căn cơ để ổn định lâu dài và cần phải làm khẩn trương. Cần một giải pháp kỹ thuật hợp lý và vốn đầu tư thấp để triển khai nhân rộng lên toàn tỉnh. Do đó, việc thực hiện dự án “Chống xói lở, gây bồi, trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển” là hết sức cần thiết.
Dự án trồng rừng “Chống xói lở, gây bồi, trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển” không tốn kém nhiều chi phí, phương pháp trồng rừng cũng hết sức đơn giản. Dự án sẽ làm hàng rào giảm sóng, gây bồi tạo bãi, ổn định bãi, giảm dòng chảy ven bờ, bảo vệ cây, hạn chế xói lở đai rừng hiện có, nhằm khôi phục đai rừng phòng hộ ven biển để bảo vệ đê và khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Theo đó, tại khu vực trồng cây, để tạo thành dạng tường ngầm, người ta sử dụng hàng rào được xây dựng bằng 3 hàng cọc tre, bố trí 2 hàng cọc chính và 1 hàng cọc gia cố chân, khoảng cách các hàng cọc là 0,4m (tính tới mép ngoài cọc). Các hàng cọc được liên kết với nhau bằng các thanh nẹp ngang, nẹp dọc, giữa 2 hàng cọc chèn bó cành cây (bố trí cách mép trồng cây khoảng 5m). Ông Lai Thanh Ẩn – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu cho biết: Hàng rào có nhiệm vụ chắn sóng và giữ lại lượng đất, phù sa khi sóng đánh vào. Loại cây trồng được lựa chọn là cây mắm có chiều cao khoảng 1m (18 tháng tuổi), và trồng với mật độ 3.333cây/ha. Hàng cách hàng 1,5m, cây cách cây 2m; hàng cây song song với đê biển và so le nhau hình nanh sấu.
Theo ông Ẩn, áp dụng phương pháp này sẽ mang lại hiệu quả lớn về mặt kinh tế - xã hội, làm hạn chế xói lở, không bị mất đất, mất rừng hàng năm. Đai cây có tác dụng bảo vệ đê biển, góp phần giảm đáng kể kinh phí duy tu, nâng cấp đê hàng năm.