Về đích sớm 3 năm
Ông Nguyễn Văn Chức – Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Điện Thắng Bắc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) cho biết, theo lộ trình đặt ra, Điện Thắng Bắc sẽ hoàn thành Chương trình xây dựng NTM vào cuối năm 2018. Song nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, chương trình này ở Điện Thắng Bắc đã về đích ngay trong năm nay.
Hầu hết các đường giao thông ở Điện Thắng Bắc được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Đ.H
“Chúng tôi xác định đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng nông thôn là nền tảng để xây dựng NTM. Những năm qua, cùng với sự hỗ trợ kinh phí từ cấp trên, Điện Thắng Bắc đã huy động, lồng ghép các nguồn lực và đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho cơ sở hạ tầng. Trong đó, xã đã dành hơn 54 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn (riêng nguồn này, nhân dân đóng góp 17 tỷ đồng)” - ông Chức chia sẻ.
Đến nay, các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... của xã được đầu tư xây dựng và nâng cấp mới khang trang. Mạng lưới giao thông nông thôn được bê tông hóa 100%. Đây là điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển…
Ông Nguyễn Thanh Nhàn - Trưởng thôn Bồ Mưng 1 cho biết, từ khi xã phát động chương trình xây dựng NTM đến nay, nhân dân trong thôn đã đóng góp cả ngàn ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn, đường giao thông nội đồng… Đặc biệt, trong thôn có hơn 50 hộ hiến đất, trong đó nhiều hộ hiến tới 300m2 đất. Nhờ đó, bộ mặt thôn thay đổi nhanh chóng, đường làng, ngõ xóm được trải bê tông sạch đẹp; ban đêm điện sáng trưng… Cuộc sống văn minh, hiện đại hơn trước rất nhiều.
Tính chung trên toàn xã Điện Thắng Bắc, người dân đã tự nguyện hiến 30.000m2 đất ở, đất vườn, đất ruộng, tương đương 6 tỷ đồng...
Mục tiêu trở thành phường nội thị
Ông Nguyễn Văn Chức cho biết, cùng với chú trọng đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, hiện nay tại Điện Thắng Bắc có 31 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng, nước giải khát…; 50 cơ sở tiểu thủ công nghiệp thuộc các ngành nghề cơ khí, hàn gò, mộc dân dụng… Mỗi năm, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của xã giải quyết việc làm ổn định cho hơn 1.800 lao động địa phương. Hiện, giá trị sản xuất lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ước đạt 135 tỷ đồng, tăng 59 tỷ đồng so với năm 2010 và đang là ngành kinh tế mũi nhọn (chiếm gần 50% trong cơ cấu kinh tế) của xã.
Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp bứt phá đã tạo đà cho ngành thương mại, dịch vụ phát triển sôi động. Hiện, toàn xã có trên 450 cơ sở, hộ kinh doanh tập trung ven Quốc lộ 1A, trung tâm xã, các trục đường chính.
Trong định hướng phát triển đô thị của thị xã Điện Bàn đến năm 2020, khu vực dọc tuyến Quốc lộ 1A sẽ trở thành các phường nội thị, trong đó Điện Thắng Bắc đang được xem là cửa ngõ quan trọng và là trung tâm phát triển phía Bắc của thị xã Điện Bàn. Đạt chuẩn NTM là bước đệm quan trọng để xã tiếp tục mở rộng và đầu tư hạ tầng theo hướng đô thị, hướng tới trở thành một phường nội thị.
Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của Điện Thắng Bắc đạt gần 18 triệu đồng/người/năm, nay đã tăng lên 28 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 3,17%, giảm 8,83% so với năm 2011. |