Như tin đã đưa, Tổ Thanh tra công vụ thuộc Phòng Nội vụ huyện Di Linh (Lâm Đồng) bất ngờ ra Văn bản số 165/TB-TTrCV ngày 10.11 trong thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Di Linh về việc di dời và đóng cửa chợ cũ Di Linh.
Theo đó, để thực hiện văn bản này, các phòng Nội vụ, Kinh tế và hạ tầng, Giáo dục và đào tạo và Đài Truyền thanh và truyền hình huyện phải cử một công chức, viên chức của cơ quan mình đi “kiểm tra tại khu vực chợ cũ Di Linh”. Nếu cán bộ, công chức, viên chức nào của địa phương bị lực lượng chuyên trách “phát hiện” đi mua sắm ở chợ cũ của huyện sẽ bị lập biên bản để báo cáo UBND huyện kiểm điểm.
Theo Văn bản số 165/TB-TTrCV, cán bộ công chức, người lao động trực thuộc cơ quan nhà nước của huyện Di Linh nếu đi mua sắm ở chợ cũ sẽ bị theo dõi và lập biên bản (Ảnh: Người lao động)
Sau khi văn bản này được đưa vào thực thi, dư luận ở huyện Di Linh (Lâm Đồng) thực sự “nóng” lên.
Chiều 16.11, ông Trần Đình Sỹ, Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết chưa nhận được văn bản của cấp trên yêu cầu hủy văn bản này. Tuy nhiên, ông Sỹ cũng thừa nhận nội dung văn bản 165 là “có vấn đề” và sẽ cho thu hồi.
Đây không phải là là lần đầu tiên một văn bản vừa áp dụng bị người dân phản ứng bị thu hồi tại tỉnh Lâm Đồng. Trước đó, ngày 21.10.2015, ông Võ Ngọc Hiệp, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt ký văn bản số 6057 với nội dung: “Từ ngày 1.11.2015, cấm nhập khoai tây Trung Quốc vào chợ đầu mối nông sản Đà Lạt để giả mạo khoai tây Đà Lạt phân phối đi nơi khác”. Khi các tiểu thương phản ứng và đòi trả lại quầy đã thuê tại chợ nông sản Đà Lạt thì ngay lập tức văn bản này được hủy bỏ.