Anh Trần Văn Long (SN 1978; ngụ huyện Bến Lức, tỉnh Long An) là một trong những người dày dạn kinh nghiệm trong việc điều khiển sà lan có tải trọng lớn. Hầu hết các tuyến kênh, rạch, sông tại TP HCM anh đều nắm rõ. Tuy nhiên, gần đây, việc lưu thông gặp rất nhiều trở ngại khiến anh và nhiều chủ tàu, sà lan đối mặt nỗi lo về an toàn giao thông thủy.
Sợ nhất là lúc triều lên
Chiếc sà lan nặng 300 tấn chở vật liệu xây dựng có số hiệu LA 0422 được anh Long lai dắt từ Cần Giờ về Rạch Ông Lớn (quận 7) “dừng chân” bên ngã ba rạch Mương Chuối - Long Kiển (huyện Nhà Bè). Theo anh, cách đó không xa, cầu Long Kiển hơn 100 tuổi đang xuống cấp, tĩnh không rất gần với mặt nước. Lúc này, triều đang lên, dòng nước thay đổi liên tục, nếu qua cầu sẽ gây họa.
Đến ngày 8-11, chúng tôi nhận được tin nhắn của anh Long báo tin: “Nước rạch xuống thấp, sà lan qua được rồi”. Thấy vậy, chúng tôi quay lại điểm hẹn để lên sà lan của anh. Neo được nhổ, anh Long điềm tĩnh bắt đầu cuộc hành trình. Khi đến gần cầu Long Kiển thì phải dừng lại ít phút để khảo sát, nắm bắt tình hình.
Sau một hồi tính toán chi tiết, anh Long quyết định bơm nước từ bên ngoài vào khoan nhằm hạ thân sà lan, đồng thời nhờ một tài phụ ra quan sát, cảnh báo khi gặp sự cố. Thay vì chui qua 2 trụ giữa cầu, anh cho sà lan chạy qua bên trụ trái vì chỗ đó nước sâu, an toàn hơn. Lần này, người tài công dày dạn kinh nghiệm phải mất gần 20 phút để thoát ra khỏi cây cầu trăm tuổi.
“Sở dĩ tôi dè chừng bởi gần đây xảy ra nhiều vụ đâm, va vào cầu. Sợ nhất là khi đang lưu thông qua cầu thì nước triều lên khiến xoay trở không kịp” - anh Long nói.
Nhiều cây cầu ở TP HCM có độ tĩnh không thấp, gây khó khăn cho các sà lan
Anh Long cho biết hiện nay, khu vực Nam Sài Gòn có ít nhất 5 cây cầu sắt xuống cấp gây nguy hiểm cho vận tải đường thủy. Chúng tồn tại nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có kế hoạch thay đổi, tu sửa.
Trưa 10-11, có gần 10 sà lan neo đậu quanh cầu sắt Bình Lợi cũ. Cây cầu này xây dựng từ năm 1902, có độ tĩnh không rất thấp. Nhiều tài công qua đây đều than trời vì muốn chui lọt phải đợi nước ròng. “Không nhớ hết bao nhiêu lần sà lan va, đâm vào thành cầu, chỉ biết rằng vài ngày lại xảy ra một lần” - ông Nguyễn Văn Chúc, sống gần cầu sắt Bình Lợi cũ, nói.
Chưa có giải pháp
Theo thống kê của Phòng Quản lý giao thông đường thủy, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, trên địa bàn TP có hơn 200 cây cầu không bảo đảm độ tĩnh không, giữa mặt nước và gầm cầu thấp hơn 3 m, tập trung chủ yếu tại các quận - huyện: Thủ Đức, 7, 8, Nhà Bè, Bình Chánh… Còn kết quả khảo sát của Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho biết luồng tuyến vận tải thủy ở TP phức tạp; nhiều nơi nước rút, lên bất thường ở các tuyến kênh: Bến Nghé - rạch Bà Tàng, kinh Văn Thánh...
Theo ông Nguyễn Đình Đảng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Sài Gòn, những năm qua xảy ra hàng chục vụ sà lan va, đâm vào cầu sắt Bình Lợi cũ. Gần đây nhất là rạng sáng 1-11, chiếc sà lan chở khoảng 2.000 tấn đá do tài công Nguyễn Quốc Cường (SN 1982) điều khiển đã đâm vào nhịp số 4 cầu sắt Bình Lợi cũ, làm đường xe lửa lệch 25 cm, nhiều đoàn tàu bị ách tắc.
“Hiện tĩnh không của cầu sắt Bình Lợi cũ với mặt nước chỉ 1,8 m. Sắp tới, cầu Bình Lợi mới sẽ được xây dựng với độ tĩnh không cao 7 m” - ông Đảng nói. Tuy nhiên, ông Đảng cho biết dù cầu Bình Lợi mới đã làm lễ động thổ từ tháng 4-2015 nhưng đến nay vẫn đang trong giai đoạn… chờ bổ sung thủ tục.
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng” Ông Trần Văn Hoàng (ngụ huyện Nhà Bè) cho biết tuyến đường Lê Văn Lương (nối huyện Nhà Bè và quận 7) tồn tại hàng chục cây cầu yếu vì xây dựng từ thời Pháp, mỗi khi xe tải chạy ngang qua thì có cảm giác như đong đưa. “Điều đáng lo là lượng phương tiện lưu thông ngày càng nhiều, cộng thêm sà lan, thuyền chạy qua va, đâm liên tục. Trong khi đó, việc nâng cấp chậm trễ khiến độ nguy hiểm ngày càng tăng. Đừng mất bò mới lo làm chuồng” - ông Hoàng nói. |