Kết quả cho thấy, Cục chưa cấp giấy đăng ký cho phép 3 nhãn sữa này được lưu hành tại Việt Nam. Trước đó, báo chí Trung Quốc đã đưa tin: 3 hãng sữa này bị phát hiện có chứa chất béo chuyển hóa hay còn gọi là axít béo chuyển hóa (trans fat) gây hại cho tim. Cụ thể, trong 100 gram các loại sữa bột này có chứa 0,4-0,6 gram chất béo chuyển hóa. Điều đáng nói là trên bao bì ba loại sữa này không hề ghi có chất béo chuyển hóa.
Đại diện của Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết, theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đối với sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ đến 12 tháng tuổi số QCVN 11-1:2012/BYT và Tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế CODEX STAN 72-1981 thì hàm lượng chất béo chuyển hóa không được vượt quá 3% tổng lượng axit béo trong sản phẩm.
PGS.TS Phan Thị Sửu - Giám đốc Trung tâm kỹ thuật an toàn thực phẩm (Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam) cho biết, chất béo chuyển hóa được phép sử dụng trong danh mục phụ gia thực phẩm. Tuy nhiên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên giới hạn tiêu thụ chất béo chuyển hóa ở mức 1-2 gram/ngày.
Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng khuyến cáo mỗi bữa ăn không nên tiêu thụ quá 0.5 gram chất béo chuyển hóa. Theo PGS Sửu, sử dụng quá mức chất béo chuyển hóa khiến trẻ có nguy cơ mắc bệnh béo phì, tim mạch, đặc biệt không tốt với những người có tiền sử mắc bệnh về tim mạch, huyết áp và tiểu đường. Trong khi đó, sữa là chất dinh dưỡng chính của trẻ, được sử dụng hàng ngày, nếu sữa có chất béo chuyển hóa vượt quá giới hạn thì trẻ sẽ hấp thụ với liều lượng lớn.
Các chuyên gia cũng lưu ý, những sản phẩm sữa này có thể lưu hành trôi nổi qua đường xách tay, do đó, các bà mẹ nên thận trọng khi chọn sữa cho con, không mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chưa được cấp phép lưu hành.
Diệu Linh