Chăn nuôi gà tại Sóc Sơn (Hà Nội). Ảnh: Đ.D
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, để nắm bắt được những cơ hội của hội nhập thì chúng ta phải có sản phẩm, có khả năng cạnh tranh. Bộ trưởng thừa nhận một số loại sản phẩm chăn nuôi của chúng ta có sức cạnh tranh yếu.
“70% sản phẩm chăn nuôi của nước ta là do các hộ gia đình nông dân sản xuất kiểu nhỏ lẻ, trong khi cả nước Mỹ chỉ có 40 công ty và 29.500 hộ chăn nuôi, nuôi 1 năm 9 tỷ con gà. Chúng ta 8 triệu hộ nông dân nuôi 1 năm 320 triệu con gà, trung bình mỗi hộ nuôi rất ít, nên năng suất, chất lượng thì thấp mà giá thành thì cao. Nhưng rõ ràng, chúng ta không thể để ngành chăn nuôi của chúng ta thất bại trên sân nhà, vì đây là cuộc sống của người dân, của hàng triệu hộ nông dân" - Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Phát đã nêu các giải pháp như phải tổ chức lại sản xuất và hỗ trợ nông dân nhanh chóng ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất ra các loại nông sản, sản phẩm nông sản đang yếu càng phải tập trung hỗ trợ; tạo điều kiện để cho các hộ sản xuất lớn, các công ty sản xuất theo kiểu công nghiệp...
Trả lời vấn đề ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nêu về chuỗi liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp còn yếu, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: Vai trò then chốt là doanh nghiệp, phải có nhiều doanh nghiệp mạnh làm những đầu tàu cho chuỗi liên kết đó. Bên cạnh đó phải có các hợp tác xã hoặc các hình thức tổ chức liên kết của nông dân để làm đầu mối, một doanh nghiệp không thể trực tiếp liên kết với hàng vạn hộ nông dân. Mặt khác cũng cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp.
“Báo cáo với Quốc hội, hơn 500.000ha liên kết nhưng tỷ lệ thành công không phải tất cả, rất nhiều nơi có ký kết nhưng không thực hiện, nơi cao đạt 70%, nơi thấp chỉ có 40%. Tôi nghĩ để thực hiện chính sách này về lâu dài trên diện rộng, quan trọng phải tạo môi trường để các doanh nghiệp vào hoạt động có hiệu quả và phát triển các hình thức hợp tác kiểu mới” - Bộ trưởng Cao Đức Phát bày tỏ.