Đến nay mới 50% diện tích nuôi cá tra được cấp chứng nhận VietGAP. Ảnh: I.T
Nghị định 36 cũng giúp các cơ quan quản lý có định hướng chiến lược phát triển về sản lượng, diện tích nuôi cá tra và đảm bảo cân đối về mặt cung - cầu trên thị trường tiêu thụ, ổn định giá cả. Tuy nhiên, Nghị định 36 vẫn đang tồn tại một số điểm bất hợp lý gây khó thêm cho hoạt động kinh doanh, xuất khẩu của DN.
Cụ thể, nhiều DN chưa đồng ý về quy định tỷ lệ mạ băng 10% và hàm lượng nước 83% ở sản phẩm cá tra chế biến; thời gian quy định tất cả cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam.Trước đó, dự thảo này quy định từ 31.12.2015, các cơ sở nuôi cá tra phải áp dụng một số quy định về điều kiện nuôi, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đến nay chỉ mới có gần 50% diện tích nuôi cá tra ứng dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt - GAP. Nguyên nhân là một số tỉnh chậm hoàn thành việc rà soát, phê duyệt quy hoạch nuôi, chế biến cá tra ở địa phương, ảnh hưởng đến tiến độ cấp mã số ao nuôi, xác nhận đăng ký nuôi cá tra thương phẩm, ứng dụng và chứng nhận quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP).
Do đó, dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 36 lùi thời hạn áp dụng VietGAP thêm 1 năm, theo đó từ ngày 31.12.2016 tất cả các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam.