Oxfam nhận thấy các đại biểu Quốc hội đã lắng nghe và bày tỏ mối quan tâm của nhân dân, các cộng đồng và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, những người đã đề nghị Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần được cân nhắc thấu đáo hơn để giải quyết những mối quan tâm của nhân dân.
Ví dụ như những phân tích đầy thuyết phục và những đề xuất thực tế của?nhiều đại biểu, như đại biểu Lã Ngọc Thoảng (Cao Bằng), đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) đề nghị rằng cần bổ sung điều khoản quy định lấy ý kiến nhân dân đối với Chương IV về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đại biểu Triệu Thị Nái (Hà Giang) đề nghị Điều 84 cần rõ hơn nữa để đảm bảo đất sản xuất cho người dân tộc thiểu số đối với các dự án tái định cư.
Sửa đổi Luật Đất đai cần đúng và trúng hơn với những mong muốn của người dân (ảnh minh họa). |
Quyết định này của Quốc hội đã mang lại thêm thời gian và tạo điều kiện có thêm các cuộc thảo luận nhằm đạt được những tiến bộ quan trọng đối với đạo luật này. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là cần tranh thủ thời gian để xây dựng các giải pháp thực tế. Việc lùi lại 4 tháng có nghĩa là có rất nhiều việc phải làm trong một khoảng thời gian hạn chế.
Những cân nhắc thấu đáo hơn sẽ được hoan nghênh, nhưng đây không phải là sự đảm bảo chắc chắn sẽ có được những thay đổi quan trọng. Chúng tôi hy vọng vào vai trò đi đầu và các sáng kiến của Ban Soạn thảo, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ để mở rộng thêm cơ hội cho các cuộc thảo luận tiếp theo về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Trong các cuộc thảo luận tại Quốc hội vừa qua, nhiều ý kiến đã dựa vào các khuyến nghị và đề xuất từ kết quả tham vấn các cộng đồng do các tổ chức địa phương thực hiện và gần 7 triệu lượt ý kiến từ những người được tham vấn khác. Các đề xuất này cần được coi là một phần để tiếp tục xem xét thấu đáo và đảm bảo các sửa đổi trong dự thảo luật phản ánh những tiếng nói đã được nghe.
Bà Lê Kim Dung
Oxfam hy vọng sẽ tiếp tục có những thay đổi quan trọng:
- Cần có những quy định cụ thể nhằm đẩy mạnh sự tham gia của người dân và sự giám sát của họ đối với việc thực hiện các chính sách đất đai, bao gồm quy hoạch sử dụng đất, như đã được các đại biểu Quốc hội đến từ Cao Bằng, Thanh Hóa chỉ ra. Chính phủ cũng đã nhận được gần 3.000 ý kiến tương tự về vấn đề này.
- Cần thiết có thêm thảo luận và các đề xuất cụ thể về các chính sách đảm bảo đất sản xuất đối với các nhóm yếu thế như nông dân sản xuất nhỏ và người dân tộc thiểu số. Điều 27 và 84 của dự thảo luật đã có đề cập các chính sách này, nhưng chưa được nhấn mạnh đúng mức trong suốt phiên thảo luận của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 vừa qua.
Chúng tôi tin rằng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có thể được tiếp tục sửa đổi bằng cách chỉ ra và làm rõ hơn các nguyên tắc đồng thuận trên cơ sở cung cấp thông tin trước và không bị ép buộc. Có như vậy mới giảm được khiếu kiện về đất đai.
Đại biểu quốc hội đề xuất
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai):Vẫn còn nhiều “lấn cấn” về lý thuyết
Chúng ta đặt ra vấn đề sửa đổi Luật Đất đai thực sự trên cơ sở những bức bách của đời sống. Rõ ràng là, Luật Đất đai đi vào đời sống bên cạnh mặt tích cực của nó như khả năng tích tụ đất đai để xây dựng cơ sở hạ tầng… thì luật ngày càng bộc lộ rõ những mặt hạn chế của nó, mà hạn chế lớn nhất về mặt lý thuyết là sở hữu toàn dân chưa được rõ ràng, đây vẫn là một hư quyền.
Song cái đáng nói nhất là quyền đại diện cho sở hữu toàn dân hay là quyền định đoạt thực tế là đặc quyền. Đặc quyền này nằm trong tay cả bộ máy hành pháp, từ địa phương tới T.Ư và chính chất lượng, hay nói đúng hơn là vai trò của bộ máy hành pháp này đã mang lại rất nhiều tiêu cực vào đời sống, tạo ra những sự bất công trong xã hội, đi ngược lại hoàn toàn với chế độ chính trị của chúng ta. Việc sửa đổi luật là rất cần thiết.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.Hồ Chí Minh): Làm rõ việc phân cấp quy hoạch
Trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, vấn đề phân cấp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được làm rõ. Đây là những vấn đề liên quan đến mô hình tổ chức chính quyền địa phương, nếu chính quyền địa phương chưa giải quyết được thì làm sao giao cho ai xử lý được. Quan điểm của tôi là, làm một lần, quyết định đúng, dứt khoát để đến kỳ họp thứ 6 thông qua luật.
Bên cạnh đó, vấn đề thu hồi đất đối với từng loại đất có giống nhau không, loại nào phải thu hồi, loại nào phải trưng mua cũng cần làm rõ. Rồi vấn đề bao nhiêu cấp làm quy hoạch, bao nhiêu cấp làm kế hoạch, có khác nhau giữa nông thôn và đô thị không?...
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai): Gỡ vướng mắc về cơ chế thu hồi đất
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này chưa đáp ứng được vấn đề xử lý những phát sinh hiện nay, nhất là những tồn tại về cơ chế thu hồi đất và bồi thường thu hồi đất. Đó chính là mảng lớn nhất để giải quyết mục tiêu, yêu cầu của luật này, là phải giải quyết tranh chấp, khiếu kiện của công dân, mà cốt lõi là cơ chế thu hồi đất và bồi thường tái định cư. Dự án luật chưa rõ vấn đề đó và chưa xử lý được, chưa có điểm mới để tháo gỡ.
Tôi cũng như các đại biểu khác và cử tri cả nước mong chờ dự án luật này sẽ đáp ứng, xử lý được những vướng mắc, mà điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là vấn đề thu hồi đất và đền bù tái định cư. Cơ quan soạn thảo cũng đã chuẩn bị các văn bản dưới luật, nhưng cũng chưa được cụ thể, nhất quán, nên thực thi sẽ rất khó.
Ngọc Lê (ghi)
Lê Kim Dung – Đại diện Tổ chức Oxfam tại Việt Nam