Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, Bộ Y tế hiện tập trung thực hiện Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 9.1.2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020, với 8 nhóm giải pháp cơ bản. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng tập trung mạnh mẽ để thay đổi chất lượng KCB với phương châm “Nâng cao chất lượng KCB, lấy người bệnh làm trung tâm, vì sự an toàn và đáp ứng sự hài lòng người bệnh”, đồng bộ thực hiện đổi mới trên các phương diện khác nhau: Đổi mới trong công tác quản lý; Đổi mới nâng cao kiến thức; Đổi mới về quan điểm; Đổi mới về phương pháp; Đổi mới về cách làm.
Đổi mới và giám sát đổi mới trong KCB
Trong các đổi mới này, Bộ Y tế tập trung vào hành động nào, thưa Bộ trưởng?
- Trong đó, quyết liệt nhất là đổi mới về cách làm. Cụ thể là cải tiến quy trình khám bệnh, đầu tư thêm và sử dụng 15% số tiền khám bệnh thu được để cải tạo khu vực khám bệnh, lắp đặt hệ thống phát số tự động, trang bị thêm ghế chờ, bàn khám, các máy móc xét nghiệm, tăng cường nhân lực, kéo dài thời gian làm việc (nhiều BV đón bệnh nhân đến khám từ 5-6 giờ sáng, đặt mục tiêu khám hết bệnh nhân trong ngày mới nghỉ). Quy trình thu viện phí và thanh toán BHYT được cải tiến đã giảm từ 6 còn 4 chữ ký, giam từ 12-14 bước trong quy trình khám bệnh xuống còn 4-7 bước.
Bộ Y tế đã rất nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng KCB và giảm tải bệnh viện, tuy nhiên tại nhiều bệnh viện vẫn còn tình trạng bệnh nhân mất cả ngày để khám, Bộ trưởng nhận đình gì về thực tế này?
Thanh toán viện phí tại bệnh viện bạch Mai (Hà Nội). Ảnh: Đ.D
- Tính chung ở tất cả các loại hình khám bệnh, thời gian khám bệnh trung bình sau hơn 1 năm cải tiến quy trình đã giảm được 48,5 phút so với trước kia (thời gian chờ khám bệnh trung bình trước cải tiến là 97 phút và sau 1 năm thực hiện là 49,6 phút). Khi xem xét chung của cả hệ thống ta thấy kết quả đạt được là khá tích cực, tuy nhiên kết quả khảo sát cũng cho thấy khoảng dao động về thời gian khám bệnh giữa các bệnh viện cũng còn khá cao, ví dụ ở quy trình khám bệnh có kết hợp làm các xét nghiệm cận lâm sàng thì thời gian chờ khám và khám trung bình của các bệnh dao động từ 55 tới 348 phút (so với yêu cầu của Bộ Y tế là <210 phút), tùy theo từng bệnh viện. Để đạt được mục tiêu giảm thời gian khám bệnh như mong muốn, bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế, rất cần sự chung tay của toàn xã hội và đặc biệt là của mỗi người dân.
Bộ Y tế có nhấn mạnh thời gian khám bệnh trung bình của bệnh nhân giảm 48,5 phút, Bộ trưởng đã từng giám sát khoa khám bệnh của bệnh viện nào chưa và nhận định như thế nào về con số giảm thời gian này?
- Việc khảo sát đánh giá trực tiếp của Bộ Y tế tại các bệnh viện đã được giao đầu mối là Cục Quản lý khám chữa bệnh. Trực tiếp Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ cũng đã thị sát và kiểm tra chỉ đạo tại Bệnh viện Chợ Rẫy; Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện K, Bệnh viện Nội tiết… và nhiều bệnh viện khác trên địa bàn cả nước. Ngoài ra, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã tiến hành kiểm tra tại trên 50 cơ sở khám chữa bệnh. Kết quả đánh giá được tính trên cơ sở kết quả đo lường của các bệnh viện có đối chiếu với kết quả trực tiếp giám sát, đo lường của Cục Quản lý khám chữa bệnh.
Kết quả này cho thấy việc hiệu quả của phương thức cải tiến quy trình khám bệnh là có tính thực thi và cũng đưa ra những yêu cầu để cần phải tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện triệt để hơn nữa.
Xây dựng lòng tin của bệnh nhân với tuyến dưới
Một trong những đổi mới trong việc KCB của các bệnh viện khi áp dụng ISO trong KCB là lấy số tự động nhưng vì bệnh viện quá tải nên lại phát sinh “cò” bán các tích kê số khám (như ở BV Chợ Rẫy). Theo Bộ trưởng, làm thế nào để quá trình đổi mới này thực sự giúp BV hưởng lợi chứ không phải là chuyển từ phiền phức này sang phiền phức khác?
- Có thể nói việc lắp máy phát số tự động là thể hiện tính văn minh, hiện đại và công bằng trong việc cung cấp dịch vụ. Nhìn chung, ở những bệnh viện có hệ thống phát số tự động người bệnh ít phàn nàn hơn và thời gian chờ khám của người bệnh cũng giảm hơn so với bệnh viện chưa áp dụng.
Đối với vấn đề báo NTNN nêu, qua khảo sát của chúng tôi ở các bệnh viện cũng thấy được hiện tượng này, khi bệnh viện để máy phát số tự động mà không có người giám sát. Người bệnh hoặc bất cứ ai cũng có thể lấy được số thứ tự này, làm phát sinh hiện tượng tiêu cực (phát sinh “cò” bán lại tích kê số khám...) ở một số bệnh viện có số lượng người chờ khám đông. Tại một số bệnh viện khi kiểm tra, phát hiện thực trạng trên đã yêu cầu lãnh đạo bệnh viện chấn chỉnh ngay. Như tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, hiện nay việc lấy số tự động sẽ được cung cấp bởi chính nhân viên y tế, sau khi hỏi người bệnh để xác định đối tượng khám cũng như một số thông tin cần thiết khác. Tại nơi phát số có lắp camera theo dõi.
Cuối cùng, Bộ trưởng có nhắn gửi gì tới bệnh nhân trong việc sắp xếp đi KCB hiệu qủa nhất?
- Về phía ngành y tế, chúng tôi đang tiếp tục các biện pháp để giảm phiền hà cho bệnh nhân như thống nhất với bảo hiểm xã hội để cấp thẻ BHYT có mã hóa (mã vạch), tiếp tục giảm các thủ tục hành chính nhằm hạn chế tối đa các thủ tục không cần thiết. Tiếp tục xây dựng chi tiết quy trình nhận, trả kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng, các thủ tục ra vào viện và BHYT.
Việc cải tiến quy trình KCB đã góp phần giảm thủ tục phiền hà cho người bệnh và được dư luận đánh giá cao, tuy nhiên để đạt được mục tiêu như mong muốn bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế, như tôi đã nói ở trên cần lắm sự sẻ chia của toàn xã hội và đặc biệt là của mỗi người dân khi đi KCB. Hiện nay, Bộ Y tế đang nỗ lực nâng cao chất lượng y tế cơ sở, tôi tin rằng trong thời gian tới, người dân sẽ tin tưởng hơn vào các cơ sở y tế tuyến dưới, từ đó có sự lựa chọn cơ sở y tế đúng tuyến để KCB.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Một số cải tiến của ngành Y tế trong KCB Bỏ việc tạm ứng tiền khám bệnh đối với người bệnh bảo hiểm y tế (59,6% số bệnh viện). Bỏ thủ tục yêu cầu người bệnh phải photocopy giấy tờ tùy thân, thẻ bảo hiểm y tế (62,3% số bệnh viện). Thực hiện đăng ký đặt lịch hẹn khám bệnh qua dịch vụ điện thoại hoặc website (16,1% số bệnh viện). Kết quả xét nghiệm của người bệnh được nhân viên y tế trả về phòng khám của từng bác sĩ tương ứng (52,8% số bệnh viện). Nguồn: Bộ Y tế |