Chính vì vậy mà trong hội nghị trực tuyến về cải thiện môi trường du lịch mới đây, rất nhiều đại biểu từ các tỉnh, thành phố có tiềm năng du lịch lớn như TP.HCM, Khánh Hòa, Quảng Ninh... đã kiến nghị nên thành lập lực lượng cảnh sát du lịch để xử lý dứt điểm tình trạng này.
Đeo bám khách du lịch - một tình trạng phổ biến tại Việt Nam. |
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Mạnh Cường- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: “Mặc dù rất nhiều địa phương mong muốn sớm thành lập lực lượng cảnh sát du lịch để giải quyết những tồn tại và các hành vi tiêu cực trong hoạt động du lịch, tuy nhiên việc này không thể một sớm một chiều mà có ngay được. Mọi hoạt động trong đời sống xã hội đều phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật, để có một lực lượng chính danh mang tên cảnh sát du lịch, chúng ta phải chờ sửa Luật Công an nhân dân, bởi hiện nay trong luật không quy định có lực lượng này”.
Cũng theo ông Cường, việc đề xuất sửa Luật Công an nhân dân cũng chưa thể tiến hành ngay trong các phiên họp tới đây của Quốc hội khóa XIII bởi trong nhiệm kỳ này chưa có kế hoạch đó. Kế hoạch để hiện thực hóa mong muốn có lực lượng cảnh sát du lịch cũng không đơn giản, theo nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Công an sẽ nghiên cứu đề xuất thành lập lực lượng này và tiến hành thí điểm ở một số địa phương để báo cáo kết quả. Tiếp đó, căn cứ vào kết quả thí điểm, Chính phủ sẽ quyết định có nên tiến hành trên phạm vi đại trà hay không, sau đó mới đưa vào đề xuất sửa luật đệ trình Quốc hội. Bởi vậy, công việc này sẽ mất một thời gian khá dài.
Trả lời phóng viên: “Vậy trong thời điểm này, khi chưa thể thành lập lực lượng cảnh sát du lịch, ngành du lịch có đề xuất giải pháp gì để giải quyết các vấn đề đang tồn tại”, ông Cường cho biết: “Trước mắt, ở các địa phương phải thành lập các lực lượng ứng trực để giải quyết những sự cố và bảo vệ quyền lợi cho khách du lịch, đồng thời lãnh đạo địa phương phải giao thêm nhiệm vụ cho cảnh sát trật tự trên địa bàn. Đó sẽ là một cách phối hợp tốt để giải quyết tình trạng chưa có cảnh sát du lịch như hiện nay”.
Ông Cường cho biết thêm: “Về mặt quản lý nhà nước, Bộ VHTTDL chỉ được giao trách nhiệm về mảng du lịch, chúng tôi hoàn toàn không có quyền quyết định trong việc bao giờ thì ngành công an tổ chức thí điểm thực hiện việc thành lập lực lượng cảnh sát du lịch. Vì vậy, cần phải có sự vào cuộc và phối hợp của nhiều ngành, lĩnh vực khác nữa”.
Hiện nay, một số nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Lào, Campuchia... đã thành lập cảnh sát du lịch với nhiệm vụ bảo vệ du khách cũng như giám sát các dịch vụ du lịch. Mô hình này đã có tác dụng rất lớn tới bảo vệ thương hiệu, hình ảnh du lịch của các quốc gia này.
Mai An