Dân Việt

Đỉa khô vừa bắt giữ ở Tây Ninh có khả năng tái sinh không?

Tất Định 18/11/2015 17:18 GMT+7
Nhiều người đồn đoán rằng, đỉa khi được thương lái thu mua mang về Trung Quốc sẽ được phơi khô, tán nhuyễn và cho vào sữa, kẹo, thực phẩm…, khi ăn, trứng đỉa sẽ nở và ký sinh trong cơ thể người.

Ngày 14.11, Công an xã Long Thành (Tây Ninh) phát hiện và bắt giữ một đối tượng vận chuyển 72kg đỉa khô từ biên giới Campuchia vào Việt Nam. Đáng chú ý, đây là vụ vận chuyển đỉa thứ tư mà lực lượng chức năng Tây Ninh phát hiện và thu giữ.

Nhiều người đồn đoán rằng: Đỉa khi được thương lái thu mua mang về Trung Quốc sẽ được phơi khô, tán nhuyễn và cho vào sữa, kẹo, thực phẩm…, khi ăn, trứng đỉa sẽ nở và ký sinh trong cơ thể người. Đỉa khô cũng có khả năng tái sinh khi gặp môi trường thích hợp.

img

Nhiều tin đồn cho rằng đỉa khô tán nhuyễn sẽ sinh sôi khi gặp nước, sữa...

Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật), đỉa là sinh vật thuộc ngành giun đốt (Annelida), cơ thể có phân đốt, hô hấp bằng mang. Cũng giống như giun đốt, cơ thể của đỉa gồm chuỗi các đơn vị giống nhau được gọi là các đốt, giữa đốt có vách ngăn. Mỗi đốt của đỉa là một phần cơ thể, có thể điều chỉnh ở một mức độ nhất định hoạt động chung của cơ thể.

“Khi cắt, gây tổn thương một con đỉa đang sống ở một số vị trí nhất định thì đỉa có khả năng tái sinh, hình thành nên cá thể mới. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng cũng tái sinh được. Trường hợp đỉa bị phơi khô, đốt cháy thì chúng hoàn toàn không có khả năng tái sinh”, GS Huỳnh phân tích.

GS Huỳnh cho biết thêm, trứng đỉa chỉ nở được trong môi trường tự nhiên, thích hợp, có nước hoặc đất ẩm. Nếu sấy đỉa với nhiệt độ cao, trứng cũng sẽ chết. Trường hợp xâm nhập vào cơ thể con người, đỉa chỉ có thể tồn tại duy nhất trong môi trường hô hấp như mũi, xoang, phế quản. Khi đỉa và trứng vào đến ruột, dạ dày, các bộ phận khác, chúng sẽ tự chết do tiếp xúc với môi trường axít, kiềm.

“Thông tin đỉa sấy khô, tán nhuyễn cho vào bánh, kẹo, sữa... khi ăn vào người, đỉa sẽ ký sinh trong cơ thể không có cơ sở khoa học. Đỉa khô, trứng đỉa không có khả năng tái sinh, sinh sôi trong môi trường cơ thể người”, GS Huỳnh khẳng định.

Trước đó, vào năm 2012, một cơn sốt bắt đỉa bán cho thương lái Trung Quốc diễn ra. Đỉa bán cho thương lái lúc cao điểm có giá tới cả triệu đồng/kg. Người dân đổ xô đi bắt đỉa, thậm chí nhiều người nuôi cả đỉa...

Đỉa là một nhóm sinh vật sống dưới nước thuộc ngành giun đốt (Annelida) có thân mềm và nhầy phù hợp với việc bơi lội trong nước. Thức ăn của đỉa là máu các loại động vật. Miệng đỉa có giác hút để châm vào con mồi và hút máu. Đỉa tiết ra chất chống đông máu nên vết chích sẽ bị chảy máu liên tục. Trên thế giới có khoảng 650 loài đỉa.

Đỉa cũng được coi là một phương thuốc trong y học ở cả phương Đông lẫn phương Tây.  Các bác sĩ dùng đỉa để hút các ổ máu tụ, máu bầm, áp xe mà không cần mổ. Đỉa sấy khô kết hợp với một số vị thuốc Đông y để chữa bệnh đau bụng dưới, yếu sinh lý, u nang buồng trứng…

Hiện nay, một số nước cho phép việc mua bán, sử dụng đỉa với mục đích y học. Năm 2004, Cục Quản lý dược và thực phẩm Mỹ đã cho phép trao đổi thương mại mặt hàng này.