Dân Việt

Du lịch thua Lào, ách tắc ở đâu?

Mỵ Lương 19/11/2015 06:28 GMT+7
Câu hỏi của đại biểu Quốc hội Phạm Thị Hải (Đồng Nai) về việc khi nào ngành du lịch Việt Nam mới đuổi kịp Lào, Campuchia phản ánh một thực tế tăng trưởng khá chậm của du lịch Việt Nam. Phải chăng, du lịch Việt có tiềm năng nhưng chưa có khả năng khai thác hết tiềm năng đó?

Chưa khai thác xứng đáng

Chiều 17.11, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh đã khiến cả hội trường Quốc hội rộn rã tiếng cười. Theo khẳng định của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, du lịch trong thời gian qua đã có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội khi tăng trưởng tới 1,6 lần. Năm 2015 sẽ đạt 8 triệu lượt khách du lịch đến Việt Nam, với doanh thu 320.000 tỷ đồng, tương đương 15 tỷ USD. Khi đem so sánh sự phát triển ngành du lịch của Việt Nam với các nước láng giềng Lào, Campuchia, Bộ trưởng cho biết: “Bây giờ thực lòng chúng tôi mong muốn Campuchia và Lào phát triển du lịch mạnh hơn nữa. Tất nhiên khi phát triển như thế chúng tôi sẽ có nhiều bài học kinh nghiệm, bởi vì mỗi quốc gia đều có cách tiếp cận du lịch và điều kiện phát triển du lịch. Việt Nam có thắng cảnh phong phú, đa dạng với 21 di sản được UNESCO công nhận”.

img

Du khách nước ngoài trải nghiệm cách làm những món đồ gốm tại Bát Tràng. Ảnh: M.L

Tuy nhiên, thông tin từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho thấy, tốc độ tăng trưởng khách quốc tế vào Việt Nam của ngành này từ năm 2010-2015 ngày càng sụt giảm. Thêm nữa, hiện nay, lượng khách nội địa dù có tăng song chưa bền vững. Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhìn nhận: “Trong khi các nước trong khu vực vẫn tăng trưởng tốt, kể cả Thái Lan vốn chịu ảnh hưởng bởi biến động chính trị trong thời gian khá dài. Có thể thấy đây là tốc độ tăng trưởng nguy hiểm của du lịch Việt Nam, nếu không có giải pháp cấp bách, đồng bộ, kịp thời… để ngăn chặn đà tụt giảm này lại thì du lịch Việt Nam sẽ tụt hậu so với các nước trong khu vực và không thể phục hồi được”.

Nhìn nhận từ thực tế du lịch Việt Nam, ông Sonny Sơn- Tổng Giám đốc Tập đoàn Phương Đông cho biết: “Việt Nam không thua kém Thái Lan, Campuchia, Lào và các nước trong khu vực về điểm đến. Tuy nhiên, do chưa đa dạng hóa sản phẩm và một số chính sách cũng chưa hợp lý khiến khả năng thu hút khách du lịch của Việt Nam phần nào bị hạn chế. Ví như du khách đến thành phố du lịch và họ còn có nhu cầu vui chơi giải trí khác thì Việt Nam không đáp ứng được. “Điều đó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của du khách. Chúng ta cứ nghĩ rằng mình là điểm đến an toàn, thân thiện thì khách sẽ tự đến, song thực tế nếu không quảng bá tốt thì một điểm du lịch dù có đẹp cũng khó lòng có đông đảo và duy trì được ổn định lượng du khách đến thăm” - ông Sơn cho hay.

Ách tắc ở khâu nào?

Phân tích nguyên nhân khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam suy giảm, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Việt còn thiếu chuyên nghiệp, trong khi cơ chế quản lý tại những điểm du lịch còn lỏng lẻo sẽ dễ dẫn đến du lịch Việt bị “mất hình tượng” trước khách quốc tế, Bộ trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận nạn "chặt chém" khách vẫn là cản trở của du lịch Việt Nam. "Khách du lịch quốc tế đến thì chúng ta ứng xử văn minh lịch sự, chặt chém thì chỉ được một vài lần rồi sau đó người ta không đến nữa" - ông nói.

Hiện nay, Lào đã miễn visa cho 40 nước, còn Campuchia miễn cho 19 nước, Singapore miễn visa cho 158 nước, Philippines miễn cho 157 nước, Malaysia miễn cho 155 nước, Thái Lan miễn cho 55 nước.

Một chuyên gia về du lịch xin được giấu tên cho biết: Các nước trong và ngoài khu vực đẩy nhanh việc quảng bá, truyền thông thu hút khách du lịch, tạo điều kiện nhanh gọn những chính sách visa thông thoáng mặc dù tiềm năng của những nước trong và ngoài khu vực chưa chắc đã bằng Việt Nam. “Từ đó cho thấy, một trong những nút thắt khiến du lịch Việt Nam tụt dốc,  kém phát triển một phần vì cơ chế. Điều này có thể thấy trong việc chính sách visa khắt khe, thủ tục rườm rà khiến khách quốc tế ngán ngẩm khi đến Việt Nam. Các nước bạn có chính sách visa thông thoáng, nhanh gọn, chi phí hợp lý… vì thế họ rất thành công, mặc dù tiềm năng của họ không bằng nước ta” – vị chuyên gia cho hay.

Ông Vũ Thế Bình cho biết: “Để thúc đẩy du lịch Việt cần phải được thực hiện một cách chọn lọc và có bài bản. Trước mắt, có thể chọn thêm một vài thị trường trọng điểm như Pháp, Đức, Anh, Úc. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ miễn lệ phí visa cho tất cả khách quốc tế vào Việt Nam. Tuy nhiên, để phát triển một cách bền vững về lâu dài, ngành du lịch vẫn cần có những chiến lược cụ thể và bền vững, ổn định hơn”. 

Đó là thực tế

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh trả lời hóm hỉnh nên các ĐBQH cười thôi chứ cũng không có vấn đề gì lớn ở đây. Còn câu Bộ trưởng nói “Tôi để dành cho bộ trưởng nhiệm kỳ sau” là một thực tế, vì các Bộ trưởng hôm nay đa số sắp sửa nghỉ hưu. Tuy nhiên khi trả lời Bộ trưởng nên nói rõ hơn, trách nhiệm của mình trước đó thế nào chứ không thể nói để dành cho người nhiệm kỳ sau được.

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh)

Chỉ nói vui thôi

Bô trưởng Hoàng Tuấn Anh nói truyền lại cho Bộ trưởng khóa sau vì sắp hết nhiệm kỳ là nói vui thôi, chứ Bộ trưởng cũng đã nhận trách nhiệm rồi. Là một ĐBQH, tôi mong muốn Bộ trưởng đưa những giải pháp ngắn hạn hơn để giải quyết những cái bức thiết trong du lịch, trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng. Nói là sắp hết thời gian nhưng vẫn còn 7 - 8 tháng nữa, tuy ngắn những không phải là không đưa ra được giải pháp.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận)

Lương Kết (ghi)