Dân Việt

Vinh danh các “kỵ sĩ nông dân”

Gia Tưởng - Lê Đức 19/11/2015 09:00 GMT+7
Nhiều hộ dân đang chuẩn bị ngựa để tham dự Hội thi trâu kéo khỏe và Giải đua ngựa phong trào nông dân phía Bắc 2015 sắp được Báo Nông Thôn Ngày Nay (NTNN) phối hợp với Trung tâm Du lịch Văn hóa Thể thao Phú Sơn tổ chức tại Bắc Ninh…

Nhịp sống chậm và có phần tĩnh mịch ở huyện miền núi Bắc Hà (Lào Cai) những ngày này bỗng vui nhộn hơn.

37 năm gắn bó với đua ngựa

Nói đến đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà, ai cũng biết ông Hoàn Seo Chùa. Người đàn ông năm nay 56 tuổi đã có tới 37 năm gắn bó với phong trào văn hóa thể thao tại quê hương  nói chung và đua ngựa nói riêng. Nhiệt tình đưa người viết tới nhà các “kỵ sĩ nông dân” từng được vinh danh tại các giải đua ngựa những năm qua như Vàng Văn Thức, Vàng Văn Huỳnh, Vàng Văn Giang…, vừa đi, ông Chùa vừa nhớ lại: “Đua ngựa đã có ở Bắc Hà từ lâu rồi.

Đoạn đường này trước đây là đường đất đá, địa hình xấu lắm chứ không được lát bê tông đẹp như bây giờ. Thế nên đi ngựa rất tiện. Từ đi rồi thành đua ngựa, chạy nước đại quanh huyện. Người về nhất chỉ nhận phần thưởng là sự tôn vinh, biểu dương của bà con, nhưng vinh dự lắm”.

img

Ông Hoàn Seo Chùa bên chuồng ngựa nhà anh Vàng Văn Huỳnh - người từng đạt thứ hạng cao tại giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà. Ảnh:  L.Đ

Theo ông Chùa, bẵng đi một thời gian, đua ngựa mới được khôi phục lại tại Bắc Hà khoảng chục năm gần đây và ngựa mạnh nhất tập trung ở 2 xã Na Hối và Bản Phố: “Trong huyện có hàng trăm con ngựa, nhưng ngựa đua ước tính chỉ có khoảng 100 con. Tháng 6 vừa qua, khi Bắc Hà tổ chức giải đua ngựa, các con đường đều chật kín người đổ về sân vận động. Xem đua ngựa xong, du khách có thể mua chút đặc sản như rượu ngô, mận Tam Hoa… về làm quà. Tôi được biết sắp tới Báo NTNN sẽ tổ chức hội đua ngựa nên háo hức lắm. Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện cũng đã giao cho tôi dẫn 32 chủ ngựa về dự hội”.

Với tâm huyết của mình, ông Chùa hy vọng thông qua hội đua ngựa Báo NTNN-Phú Sơn, Bắc Ninh 2015, sức hút của đua ngựa sẽ được lan tỏa rộng và được phổ biến thêm ở nhiều nơi trên cả nước: “Đó cũng là động lực giúp người nông dân quê hương tôi tập trung chăm sóc, huấn luyện ngựa đi thi”- ông Chùa phấn khởi nói.

Lan tỏa niềm vui

  Ông Hoàn Seo Chùa: “Đời sống của nông dân quê tôi còn khó khăn lắm. Ngoài việc chăm sóc, huấn luyện ngựa, cùng ngựa đi thồ hàng, lên nương làm rẫy, nhiều chủ ngựa còn phải đi làm bốc vác kiếm thêm tiền. Có người đi từ sáng tới tối mịt mới về nhà. Nếu phong trào đua ngựa phát triển thì cuộc sống của họ sẽ đỡ vất vả hơn”.  

Theo dòng câu chuyện, ông Chùa nhiệt tình mời chúng tôi về nhà để gặp người bạn đời cũng mê đua ngựa không kém. Với vẻ niềm nở, chân chất của người phụ nữ Mông, chị Mình, vợ ông Chùa bày tỏ: “Tôi làm quen với ngựa từ khi còn nhỏ. Hễ có đua ngựa là không bao giờ bỏ qua. Chăm sóc ngựa cũng dễ thôi, nó chịu lạnh tốt, đêm không phải đốt lửa sưởi ấm gì cả. Ngựa chủ yếu ăn cỏ (cỏ voi thì tốt nhất) và cám ngô. Thời trẻ, có những lần cả 2 vợ chồng tôi đi chợ phiên uống rượu say, cứ nằm lên lưng ngựa là nó sẽ đưa về tới tận nhà”.

Rời nhà ông Chùa lúc trời đã tối, chúng tôi ghé vào một quán sủi dìn (thứ bánh gần giống như bánh trôi ở dưới xuôi nhưng nhỏ hơn, không có nhân đường, nước ngọt, vị thanh, ấm nóng). Chị chủ quán tên Giang (40 tuổi, người Nùng) nói: “Hội đua ngựa ở Bắc Hà đông lắm, không biết hội sắp tới ở Bắc Ninh có vui thế không? Chồng tôi là dân đua ngựa nên chắc chắn hai vợ chồng sẽ tới Bắc Ninh xem hội đấy”.

Khi nghe người viết nói ở Bắc Ninh cũng có nhiều đặc sản ngon như bánh phu thê, bánh khúc, nem Bùi… cùng làn điệu quan họ chan chứa ân tình, chị Giang hứa hẹn: “Vậy thì đầu tháng 12 tới, tôi sẽ tới Bắc Ninh từ sớm, ở lại mấy ngày để khám phá ẩm thực và nghe quan họ. Quê hương tôi có điệu múa xòe và đây là dịp “giao duyên” ở miền quê Kinh Bắc”.