Dân Việt

97 thủy điện nợ tiền dịch vụ môi trường rừng

Tài Dũng 19/11/2015 14:24 GMT+7
Được thực hiện từ năm 2007, đến nay, chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã đi vào cuộc sống của người dân thuộc những vùng khó khăn, đang hàng ngày trực tiếp tham gia trồng và bảo vệ rừng.

img

Thủy điện Sông Côn 2, Quảng Nam chây ỳ thực hiện trồng rừng thay thế. Ảnh: I.T

Thông tin từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, tính đến ngày 25.10, cả nước đã thu được 1.117,78 tỷ đồng tiền DVMTR, đạt 85,49% kế hoạch năm, trong đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (VNFF) trung ương thu 745 tỷ, quỹ các tỉnh thu 371,17 tỷ đồng.

Quỹ T.Ư đã giải ngân cho các tỉnh 642,3 tỷ đồng, các tỉnh đã giải ngân 360 tỷ đồng đến các chủ rừng. Hàng năm, đã có hơn 1.000 tỷ đồng từ nguồn thu của Quỹ VNFF trực tiếp chi trả cho người dân cung cấp dịch vụ môi trường rừng. Chính sách chi trả DVMTR đã đi vào cuộc sống và góp phần nâng cao đời sống cho hàng triệu gia đình nông dân đang trực tiếp trồng và bảo vệ rừng.

Theo ông Nguyễn Bá Ngãi- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, những năm gần đây, đời sống người trồng rừng cả nước đã được cải thiện từ nguồn tiền trực tiếp do Quỹ VNFF chi trả. Nhiều hộ gia đình đã ổn định thoát nghèo, yên tâm chăm sóc bảo vệ rừng. Người trồng rừng thầm lặng đã được tôn trọng và đền đáp phần nào.

" Không thể để những nhà máy thủy điện ăn chặn trên lưng những người trồng rừng khốn khó”.
Ông Nguyễn Bá Ngãi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp

Mặc dù có nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng từ bán điện nhưng nhiều nhà máy thủy điện lại nợ 300 tỷ đồng tiền DVMTR.

Ông Nguyễn Bá Ngãi thông tin, đến ngày 30.10, trên cả nước hiện có 97 nhà máy thủy điện nợ đọng tiền DVMTR từ năm 2011 - 2014 với số tiền là 160.702.343 tỷ đồng. Riêng năm 2015 là 150 tỷ đồng. Trong đó, số tiền nợ đọng của các nhà máy thủy điện công suất từ 30 MW trở lên là trên 164 tỷ và công suất thiết kế  dưới 30 MW là trên 96,5 tỷ...

Theo ông Nguyễn Bá Ngãi, các nhà máy thủy điện đã sử dụng nguồn nước từ rừng để phát điện và thu lợi hàng chục tỷ đồng tiền bán điện hàng ngày nhưng họ vẫn cố tình chây ỳ một phần tiền rất nhỏ (20 đồng/kW) bù đắp lại cho cuộc sống những người dân khốn khó đang bảo vệ và chăm sóc rừng theo chính sách của Chính phủ đã ban hành. Các nhà máy thủy điện đang thu lời trên chính công sức của người trồng rừng nhưng họ luôn lãng quên công sức những người đang hàng ngày giữ rừng, tạo nguồn nước cho nhà máy.