Dân Việt

Chỉ cho công an xã điều tra ban đầu trong "trường hợp rất đặc biệt"?

Nghĩa Nhân 19/11/2015 07:21 GMT+7
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Độ (nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao) đề nghị dự thảo Luật Tổ chức điều tra hình sự (sửa đổi) cần quy định cụ thể hơn là công an xã điều tra ban đầu với những trường hợp rất đặc biệt do địa bàn xa cách nên không thể đợi cơ quan điều tra cấp huyện xuống.

img

Công an xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ảnh minh họa). Ảnh:  Hồng Đức

Chiều 18.11, dự thảo Luật Tổ chức điều tra hình sự (sửa đổi) đã được đưa ra thảo luận lần cuối tại Quốc hội (QH) trước khi QH biểu quyết thông qua cuối kỳ họp.

Vì đã được góp ý nhiều lần nên dự thảo mới nhất này đã được các đại biểu (ĐB) QH đánh giá là khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên, ở một số nội dung cụ thể trong dự thảo thì vẫn còn những ý kiến khác nhau.

Chẳng hạn một số ĐB đã đề nghị chưa cần thiết phải trao thêm quyền điều tra ban đầu cho cơ quan thuế vụ vì Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã yêu cầu thu gọn đầu mối cơ quan điều tra hình sự. Hơn nữa, theo các ý kiến này, hoạt động điều tra hình sự đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, giờ giao cho cơ quan thuế sẽ khó đảm bảo.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) lại cho rằng việc giao quyền này cho cơ quan thuế là cần thiết: “Những năm qua, công an mới chỉ điều tra các vụ trốn thuế VAT, vốn là sắc thuế mới, còn nhiều bất cập trong quản lý. Chứ còn bao nhiêu thứ trốn thuế khác hàng ngàn, chục ngàn tỷ đồng thì có xử lý, khắc phục được đâu”.

Theo ông Sơn, việc giao thêm cho cơ quan thuế quyền điều tra hình sự ban đầu với những vụ có dấu hiệu tội phạm là cần thiết và sớm muộn cũng phải làm.

Tương tự, dự thảo vẫn cơ bản giữ nguyên quy định hiện hành là trao cho công an xã quyền lấy lời khai ban đầu, dẫn giải, thu thập chứng cứ... trước khi chuyển cho cơ quan điều tra cấp huyện.

Về quy định công an xã điều tra ban đầu, ĐB Dương Ngọc Ngưu (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) đồng tình và cho rằng các hoạt động trên không phải là điều tra theo tố tụng. “Chỉ là hỗ trợ ban đầu cho cơ quan điều tra thôi, còn chuyển hóa chứng cứ như thế nào thì là thẩm quyền của cơ quan điều tra” - ông Ngưu nói.

Tuy nhiên, ĐB Trần Văn Độ (nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao) lo ngại: “Công an xã là lực lượng bán chuyên trách mà quy định thẩm quyền chung chung như dự thảo thì sẽ dễ dẫn tới lạm dụng. Thực tiễn cho thấy nhiều vụ bắt giữ người trái pháp luật, đánh đập gây thương tích, thậm chí làm chết người là ở cấp này”.

Ông Độ đã đề nghị dự thảo cần quy định cụ thể hơn là công an xã chỉ được lấy lời khai ban đầu, thu thập chứng cứ... với những trường hợp rất đặc biệt do địa bàn xa cách nên không thể đợi cơ quan điều tra cấp huyện xuống. “Chẳng hạn, có vụ việc mà nạn nhân bị thương nặng, hấp hối thì phải lấy sinh cung ngay” - ông Độ nói.