Theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp mà VFF đã ban hành, nếu ra đi trước 25 tuổi, cầu thủ phải đền bù phí đào tạo trẻ trừ trường hợp đơn vị chủ quan chủ động thanh lý hợp đồng sớm hoặc cho phép ra đi tự do. Với tiền vệ Ngô Hoàng Thịnh, sinh năm 1992, anh phải thi đấu cho SLNA đến hết mùa giải 2016 thì mới có thể đến với CLB khác mà không quan tâm đến phí bồi hoàn. Trong trường hợp chia tay đội bóng xứ Nghệ sau mùa giải 2015 mà vẫn còn những ràng buộc, tuyền thủ quốc gia này phải bồi thường phí đào tạo do vẫn còn 1 năm trong giới hạn “đào tạo trẻ”.
SLNA sớm giải phóng hợp đồng cho Hoàng Thịnh.
Tuy nhiên, do Hoàng Thịnh có những đóng góp to lớn cho SLNA trong những năm qua, đặc biệt là ở chức vô địch V.League 2011, nên anh đã được Ban lãnh đạo đội bóng xứ Nghệ tri ân bằng cách sớm giải phóng hợp đồng. Còn nhớ trong lần đầu tiên được đôn lên chơi đội 1 ở mùa giải 2011, cầu thủ sinh năm 1992 này thường xuyên xuất hiện trong đội hình chính và nhanh chóng trở thành trụ cột không thể thay thế. Từ đó đến nay, Hoàng Thịnh luôn là điểm tựa đáng tin cậy nơi tuyến giữa SLNA.
Thực ra, SLNA cũng rất muốn giữ chân Hoàng Thịnh nhưng do kinh phí eo hẹp nên đành để Thịnh ra đi. Trường hợp của Thịnh đã được SLNA trình lên Ban lãnh đạo và HĐQT công ty cổ phần bóng đá SLNA về bản hợp đồng 3 năm, đồng thời nếu ở lại thì Hoàng Thịnh sẽ là cầu thủ nội nhận lương cao nhất ở SLNA. Tuy nhiên, mức đề nghị của SLNA thấp hơn số tiền mà tiền vệ này mong muốn, vì anh từng đánh tiếng sẽ chỉ ở lại SLNA với mức phí 2 tỷ/năm.
Chủ tịch HĐTQ kiêm TGĐ công ty cổ phần bóng đá SLNA, Nguyễn Hồng Thanh trả lời trên Thể thao Văn hóa: “Cuộc đời cầu thủ ngắn lắm, ngoài việc cống hiến cho CLB đã đào tạo thì họ cũng có quyền của riêng mình khi tìm kiếm những hợp đồng có giá trị cao. Chúng tôi ủng hộ cầu thủ ra đi khi mà SLNA không đủ tài chính để ký kết hợp đồng chuyển nhượng giá cao. Hoàng Thịnh là cầu thủ có nhân cách tốt, chơi lăn xả và rất cống hiến cho SLNA trong nhiều năm qua. Vì vậy ban lãnh đạo SLNA đã quyết định tri ân Hoàng Thịnh bằng cách cho cậu ấy sớm được thanh lý hợp đồng đào tạo trẻ để chuyển nhượng tự do, đội nào ký kết hợp đồng thì cũng chỉ phải chi trả một phần chi phí tượng trưng gọi là phí đào tạo của CLB”.
Trong khi nhiều đội bóng khác tìm đủ mọi cách để giữ chân các trụ cột, còn nếu không được thì cũng làm khó đủ kiểu nhằm o ép cầu thủ trả một khoản tiền “mua tự do”, thì cách làm của SLNA thật đặc biệt. Trong số những cầu thủ do SLNA đào tạo thành danh thì duy nhất chỉ có Ngô Hoàng Thịnh được “đặc cách” cho thanh lý sớm “hợp đồng đào tạo trẻ” trước 1 năm. Có lẽ đây là thông điệp lãnh đạo SLNA muốn gửi đến các cầu thủ, hãy cứ nỗ lực, cống hiến vì đội bóng và cầu thủ sẽ không phải thiệt thòi.