Theo hồ sơ, sáng 15.10, đoàn thanh tra chuyên ngành của Sở TTTT An Giang gồm ông Nguyễn Thanh Hiền - Phó Chánh thanh tra Sở TTTT, ông Lê Giang và ông Phan Công Thực - Công an tỉnh An Giang, làm việc với ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc (người bấm “like”) và bà Nguyễn Thị Thùy Trang (người dẫn nguồn tin trên báo đăng trên facebook).
Trong biên bản làm việc, đoàn khẳng định các đương sự vi phạm Điều 5, khoản 1, điểm d Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, sử dụng internet (Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân). Đến khi lập biên bản vi phạm hành chính trong cùng thời gian này, Đoàn thanh tra lại nói đương sự vi phạm điểm g, khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện (Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác). Nếu vi phạm tại điểm này, mức phạt là từ 10 - 20 triệu đồng. Điều đáng lưu ý là, các biên bản không nêu ngày, giờ xảy ra vi phạm hành chính. Các biên bản đều bỏ trống phần “người chứng kiến”.
Quyết định xử phạt đối với ông Phúc áp dụng sai văn bản pháp luật
Đến ngày 16.10, ông Nguyễn Thanh Hiền ra quyết định xử phạt đối với ông Phúc và bà Trang. Quyết định này ghi “Căn Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 01/7/2013”.
Theo tìm hiểu của PV, hệ thống luật pháp của Việt Nam chỉ có Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 được Quốc hội ban hành ngày 20.6.2012, không có “luật” mà ông Hiền “căn” phía trên.
Luật sư Nguyễn Trường Thành - Đoàn Luật sư TP Cần Thơ nói: “Quyết định hành chính mà áp dụng sai văn bản pháp luật thì không có giá trị. Tôi đã xem kỹ hồ sơ vụ này, thấy biên bản làm việc áp dụng luật này, biên bản vi phạm hành chính lại áp dụng luật khác. Việc mâu thuẫn trong áp dụng luật cho thấy bản thân các cán bộ trong đoàn thanh tra cũng không xác định được đương sự sai cái gì, vi phạm quy định nào của pháp luật. Về thủ tục, nói là đoàn thanh tra chuyên ngành của Sở TTTT nhưng lại có công an tham gia thì phải là đoàn thanh tra liên ngành. Mà thành lập đoàn thanh tra liên ngành thì ông Chủ tịch tỉnh phải ký quyết định, nếu không có là sai”.
Cũng theo luật sư Thành, việc lập biên bản vi phạm hành chính mà không xác định được thời gian vi phạm thì không thể xử lý vi phạm. “
Vì có xác định được thời gian thì mới xác định được vi phạm này có còn thời hiệu để xử lý hay không. Ví dụ, nếu có vi phạm nhưng xảy ra hơn 6 tháng trước thì không thể xử lý. Ngoài ra, biên bản không có người chứng kiến thì chính người lập biên bản cũng vi phạm quy định pháp luật. Trong vụ này, việc xử phạt đã sai, mà cán bộ tham gia xử lý cũng không hiểu pháp luật” - luật sư Thành nói.
Phó Bí thư Đảng ủy khối Dân chính đảng Hà Minh Trang có công văn gửi Sở GDĐT tỉnh An Giang, yêu cầu Ban Giám đốc Sở này phải “rút kinh nghiệm vì xử lý cô giáo Nguyễn Thị Thùy Trang nhẹ so với quy định”.
Ngoài ra, công văn này yêu cầu Đảng ủy khối doanh nghiệp chỉ đạo Đảng ủy Công ty Điện lực An Giang “Xử lý về chính quyền theo Luật Lao động đối với ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc”. Giám đốc Công ty Điện lực An Giang sau đó cũng xử lý ông Phúc nhưng có văn bản nêu rõ “ông Phúc không vi phạm luật lao động”.
Luật sư Võ Đức Toàn - Đoàn Luật sư TPHCM nói: “Vị phó bí thư chỉ đạo Đảng ủy phải xử lý về mặt chính quyền là đá lộn sân, rồi yêu cầu xử lý theo Luật Lao động thì có làm liều cũng không xử được”.