Dân Việt

Khi “quyền lực” của thầy cô thay đổi

Tùng Anh - Mị Lương 20/11/2015 08:04 GMT+7
Áp lực về đồng lương ít ỏi chưa “nhằm nhò” gì khi nhiều thầy cô đang bất lực trước trò hư; các phương pháp giáo dục có tính chất răn đe của thầy cô lúc nào cũng có nguy cơ bị dư luận, phụ huynh chỉ trích, lên án.

Phải xin lỗi vì học trò… cào nhau

Đã hơn 10 năm làm nghề giữ trẻ, chưa bao giờ cô giáo Nguyễn Thị Bích – giáo viên mầm non tại Thái Thụy (Thái Bình) lại thấy áp lực như thời gian gần đây. Cô Bích cho biết, từ khi một số vụ bạo hành trẻ em bị lên án trên các phương tiện truyền thông, các giáo viên trở thành tâm điểm săm soi của phụ huynh và cả lãnh đạo. Cứ khi nào tivi đưa tin có bạo hành là giáo viên lại nhận lệnh chuẩn bị có thanh tra, kiểm tra và tập huấn nghiệp vụ.

img

Học sinh Trường THPT FPT (Hà Nội) trong giờ học (ảnh minh họa). Ảnh: Đ.D

“Sự mất lòng tin vào giáo viên thật là đáng sợ. Bây giờ các cô sợ nhất là trẻ nô đùa nhau gây thương tích. Chỉ cần một vết bầm, vết cào hay vết cắn trên cơ thể học trò là kiểu gì cô giáo cũng bị phụ huynh “kiện” lên ban giám hiệu. Họ còn bảo: “Cô trông mà để chúng nô đùa cào nhau thế thì trông làm gì”. Nhiều giáo viên không muốn đôi co đành “ngậm bồ hòn” đến tận nhà xin lỗi phụ huynh vì tội bất cẩn… để trò cào nhau” – cô Bích thở dài.

Cô Nguyễn Thị Liên Hương – giáo viên cấp 3 tại Yên Khánh (Ninh Bình) cho rằng, giáo viên bây giờ chỉ dạy giỏi thôi chưa đủ mà nhiều khi còn phải biết “kỹ xảo” đối phó với học trò. Cô Hương kể câu truyện của một đồng nghiệp nam trong trường bị học sinh đánh cho phải nhập viện chỉ vì cho em này điểm 0: “Em đó không thuộc bài, thầy giáo cho điểm 0, em này lẩm bẩm: Điểm 0 thì đã sao, đây đếch học thì làm được gì. Không chịu được thầy giáo nói: Nếu em không chịu học và có thái độ hỗn xược như vậy thì mời em ra khỏi lớp. Em học sinh kia hất cằm nói: Tôi ra nhưng sẽ đợi thầy ở cổng trường đấy. Tưởng học sinh chỉ nói đùa, ai ngờ, trên đường về, thầy giáo đó đã bị học sinh đánh đến nỗi phải nhập viện khâu 10 mũi ở mặt...”.

“Tay không bắt giặc”

 TS Phạm Thị Kim Anh – Viện Nghiên cứu sư phạm Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, người thầy hiện nay nhận được sự ủy thác quá nhiều từ phụ huynh trong việc giáo dục và dạy dỗ học sinh. Giáo viên chỉ kiểm soát được học sinh trên lớp còn về nhà, bố mẹ phải phối hợp quản lý, răn dạy. Rất nhiều phụ huynh chỉ “trăm sự nhờ thầy”, còn con về nhà có học bài không, có giữ nề nếp không cũng mặc kệ. Nhưng nếu có bất kỳ vấn đề gì xảy ra với con em họ như đánh mắng, trách phạt… do bị phạm lỗi thì người thầy lại chịu sự chỉ trích lên án quá nhiều từ phía gia đình, xã hội. Nếu lỡ miệng trách mắng khiến các em phật ý, có hành động tiêu cực, thầy cô sẽ không chịu nổi sự lên án.

Nhiều lúc chúng tôi cảm thấy như bị tước gần hết công cụ giáo dục. Đương nhiên không nên đánh mắng học sinh nhưng khi học sinh hư cũng không dám đuổi học sinh ra khỏi lớp, khi phê bình còn phải “nhìn mặt” học sinh để nói. Ngoài trách phạt, hạ hạnh kiểm thì không còn biện pháp nào khác. Trách phạt thì ít tác dụng, còn hạnh kiểm chỉ cần trung bình là được lên lớp rồi” – bà Kim Anh nói.

Còn theo TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), sự sa sút về đạo đức của một bộ phận học sinh đang trở thành thách thức đối với năng lực giáo dục của người thầy. “Lâu nay chúng ta đã sai lầm khi coi trọng việc dạy chữ hơn dạy làm người. Vì vậy, ngoài chương trình, giáo viên cần được nâng cao năng lực hơn nữa để họ có thể trở thành những nhà giáo dục hơn là người thầy dạy chữ”. Ông Lâm cũng cho rằng, mỗi giáo viên cần xác định phải tâm huyết, kiên nhẫn khi bước vào nghề này. Bên cạnh đó, họ cần lắm những công cụ, quyền lực đủ mạnh để hỗ trợ mình trong việc rèn luyện học sinh, tránh bị… nhờn thuốc. 

Phân biệt rõ tôn trọng và nuông chiều

Tôi mới có 1 cậu con trai 5 tuổi và với kinh nghiệm còn ít ỏi của mình, tôi nghĩ giáo viên và đặc biệt là chính phụ huynh cần phải phân biệt rõ việc tôn trọng cá tính của con trẻ với việc nuông chiều con trẻ trong giáo dục. Nếu không phân biệt rõ điều này, chúng ta sẽ có những ý kiến, hành động can thiệp quá sâu vào việc giáo dục trẻ của nhà trường khiến giáo viên lúng túng, không biết phải “rắn” hay “mềm” với học sinh. Tôi nghĩ, sự giáo dục nửa vời như vậy, sẽ chỉ khiến con mình lệch chuẩn mà thôi.

Nguyễn Thị Ngọc Lan  (phường Bạch Đằng, TP. Hải Dương)

Xin đừng là “phụ huynh trực thăng”

Điều dễ nhận thấy là hiện nay, đang xuất hiện ngày càng nhiều “phụ huynh trực thăng” (cụm từ được các chuyên gia giáo dục dùng để nói về các phụ huynh như trực thăng luôn lởn vởn trên đầu con và sẵn sàng lao xuống hỗ trợ). Những phụ huynh này, thay vì phối hợp tốt với giáo viên để giáo dục con trẻ thì lại can thiệp quá sâu vào việc giáo dục của thầy cô... Tôi nghĩ chính sự can thiệp đó đã làm suy giảm sự tôn nghiêm của thầy cô, và điều tai hại là nó sẽ  ảnh hưởng trực tiếp đến sự nhất quán trong việc giáo dục trẻ. Chúng tôi mong phụ huynh tin tưởng vào quyết định của thầy cô. 

Nguyễn Thị Hiền (GV trường Quốc tế Wellspring Hà Nội)

                                                             Huệ Tâm (ghi)

Một số vụ việc điển hình

Thầy giáo H, Trường Cao đẳng Kỹ thuật – Mỹ nghệ Việt Nam bị 2 học sinh dùng mũ bảo hiểm đánh gẫy mũi do bị thầy đuổi ra khỏi lớp.

Thầy giáo Kiều Tấn Phúc, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn,  Đăk Lăk bị học trò cũ nhậu say đánh dẫn đến  đa chấn thương phải nhập viện.

Thầy giáo Hoàng Thanh Hải, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa, Gia Lai bị học sinh đánh dẫn tới đa chấn thương do... nhắc nhở và ghi tên học sinh vào sổ đầu bài khi học sinh làm bài không nghiêm túc.