Thu nhập cao nhờ trồng cây đặc sản
Sau xã Phùng Xá đạt chuẩn NTM, cuối tháng 10.2015 vừa qua, Hương Sơn là xã thứ 2 của huyện vinh dự nhận bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM đợt I năm 2015. Ông Vương Văn Hiến – Bí thư Đảng bộ xã Hương Sơn cho biết, năm 2011, khi bắt tay vào triển khai xây dựng NTM, xã gặp rất nhiều thách thức, sản xuất nông nghiệp manh mún, lạc hậu, thu nhập của người dân hạn chế...
“Trước tình hình đó, xã đã đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa 80% giống lúa lai, lúa chất lượng cao vào sản xuất thâm canh, vì vậy năng suất lúa đã đạt 70 tạ/ha/vụ. Với gần 65% là diện tích tự nhiên trong khu quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn nên xã đã phát động nhân dân trồng rừng, trồng cây đặc sản (mơ, rau sắng,…). Đến nay nhiều hộ đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm” - ông Hiến chia sẻ.
Chăn nuôi lợn siêu nạc đang mang lại thu nhập cao cho người dân xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Trần Quang
Cũng theo ông Hiến, đến nay 95% đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng ở Hương Sơn đã được bê tông hóa, nhựa hóa. Điều đặc biệt là những con đường này đều được làm từ vốn đóng góp của người dân. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 29,2 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,1%.
Dân đồng thuận cao
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm làm NTM, ông Hiến cho biết: “Bên cạnh đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, xã Hương Sơn cũng tập trung phát triển ngành du lịch. Trong đó, các công trình đường giao thông, đền chùa, công trình vệ sinh nước sạch đã được UBND huyện, xã và người dân góp vốn xây dựng để phục vụ khách tham quan du lịch cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân” - ông Hiến nói.
Trao đổi với NTNN, ông Lê Văn Sang - Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức cho hay: “Dù xuất phát điểm thấp, không có nhiều lợi thế nhưng với cách làm sáng tạo, các xã đã tạo được đồng thuận cao trong nhân dân, dần biến khó khăn, thách thức thành lợi thế, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn Mỹ Đức và cải thiện thu nhập cho người dân”.
Ông Lê Thiết Cương – Chi cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội cho biết, là huyện có số xã đạt chuẩn NTM thấp nhất thành phố, nhưng Mỹ Đức đã có nhiều cách làm hay được nhân dân đồng tình, ủng hộ. “Mong rằng, thời gian tới các xã cần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng các tiêu chí” – ông Cương nhấn mạnh.
Là một trong những nông dân hiến nhiều đất cho địa phương làm NTM, ông Nguyễn Quang Nhã (xã Phùng Xá) tâm sự: “Hiểu xây dựng NTM là để cho mình hưởng nên việc đóng góp, hiến đất cho địa phương là việc cần làm, tôi không tiếc đâu, chỉ mong bà con trong và ngoài xã đều hiến, góp tiền của để giúp xã nhà nhanh về đích”.
Ông Lê Văn Sang - Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức cho biết: Đến nay Mỹ Đức đã có 2 xã đạt chuẩn NTM, kết quả còn thấp, song với những nền tảng đã gây dựng được, thời gian tới huyện sẽ có bước phát triển mạnh mẽ hơn, và phấn đấu trở thành huyện NTM vào năm 2020. |