Dân Việt

Người Khơ Mú giữ gìn vốn quý

Lê San 20/11/2015 17:35 GMT+7
Với tình yêu, niềm tự hào và sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con người Khơ Mú ở bản Tọ Cuông, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, Điện Biên đã cùng nhau bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc mình.

Trăn trở của người già

Theo ông Quàng Văn Cá, một trong những người hiếm hoi am hiểu các nghi lễ, phong tục của người Khơ Mú, bản Tọ Cuông có 96 hộ, 100% là người Khơ Mú. Cùng với sự phát triển kinh tế chung, các phong tục văn hoá, lễ hội văn hoá truyền thống đã không còn được duy trì. Chỉ còn một số lễ hội thường xuyên được tổ chức trong bản là lễ Cầu mùa, Tra hạt và Mừng cơm mới.

img

Thầy cúng Quàng Văn Cá mời các vị thần linh về hưởng thụ đồ lễ trong lễ cầu mưa. Ảnh: L.S 

Trước tình hình đó, năm 2013, ông Cá và những người tâm huyết trong bản đã họp bàn với dân bản cùng đóng góp để tổ chức lễ Cúng bản. Lễ hội đã diễn ra trong sự hoan nghênh của tất cả bà con. “Mừng hơn nữa là năm 2014, với hỗ trợ của Bảo tàng tỉnh, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam và Trung tâm Lưu giữ di sản Việt Nam, lễ hội Cầu mưa đã được phục dựng. Nhìn thấy lễ hội được tổ chức, lớp trẻ biết được ý nghĩa cũng như tham gia nhiệt tình vào lễ hội, mà mình mừng rơi nước mắt. Đây là nền tảng để từ đó bản sắc văn hoá của người Khơ Mú càng được phát huy hơn nữa” – ông Cá cho hay.

Trong lễ hội Cầu mưa,  những động tác lao động quen thuộc đã được thăng hoa và tái hiện sống động. Những người đàn ông Khơ Mú khoẻ mạnh dàn hàng ngang đi trước, vừa nhún nhảy, vừa vung gậy chọc lỗ, những âm thanh dội lên như khích lệ mọi người cùng tham gia lao động. Các cô gái theo sau nhịp nhàng vung tay gieo những hạt lúa giống vào lỗ, chân gạt nhẹ lấp đất, tất cả đều nhịp nhàng, uyển chuyển. Vây xung quanh là ánh mắt hân hoan của bà con. 

Bảo tồn nghiêm túc, tiết kiệm

" Chính tình yêu, niềm tự hào về bản sắc văn hoá dân tộc mới giúp người Khơ Mú ở Tọ Cuông bảo tồn vốn quý của mình. Qua những lễ hội, các điệu múa, câu ca truyền thống của người Khơ Mú được lưu giữ, thấm vào máu mỗi người con Tọ Cuông. Nhờ vậy, thế hệ trẻ trong bản đều thuộc lòng và có thể tham gia biểu diễn những nét đẹp văn hóa này”.
Ông Trần Văn Hoàng – Trưởng phòng Nghiên cứu sưu tầm di sản, Bảo tàng tỉnh Điện Biên

Ông Quàng Văn Cá cho biết: So với ngày trước, lễ hội đã được giảm bớt những chi tiết lạc hậu, còn lại các nghi lễ chính vẫn được giữ nguyên.

Chẳng hạn như lễ hội Cầu mưa phải thực hiện đủ 3 lễ cúng: Cúng tổ tiên, cúng thần linh và cúng thổ địa, phải có cây chuối, quả bầu. Nếu ở nhà không có cây chuối phải đi nơi khác bứng về trồng ở nơi làm lễ cúng. Chúng tôi chủ trương bảo tồn các lễ hội truyền thống của dân tộc một cách đúng, đủ, nghiêm túc mà tiết kiệm, không lãng phí”- ông Cá chia sẻ.

Điều mà ông Cá tự hào nhất là sự chung tay, đồng lòng của tất cả dân bản. Những ngày hội thế này, mỗi gia đình không chỉ góp công mà còn tự nguyện đóng góp vật chất theo khả năng. Mỗi nhà một thứ: Con gà, chai rượu hay vài cân gạo... Những người tham gia cũng tự mình sắm quần áo đẹp để dự lễ.

Chị Lò Thị Loan, thành viên đội văn nghệ bản Tọ Cuông chia sẻ: Nhà mình chẳng có điều kiện nhưng để tham gia các hoạt động của bản, mình cũng tự đi mua sắm trang phục dân tộc. Bỏ công thêu, đính để làm đẹp bộ váy áo.

Mỗi lần có dịp mặc bộ quần áo lên người, cảm thấy tự hào về dân tộc mình lắm. Nhất là từ khi các hoạt động bảo tồn văn hoá dân tộc mình được nhiều nơi biết đến, mình được đi đến các địa phương để giới thiệu các nghi lễ, phong tục...

“Chị em trong bản giờ ai cũng mong muốn được như mình, nên càng tích cực tham gia vào các hoạt động của bản”- chị Lò Thị Loan hồ hởi khoe với phóng viên.