Cơn say chết người
Sáng 19/11, hàng trăm người dân nghèo thôn 9 xã Tam Thành (Phú Ninh, Quảng Nam) có mặt tại TAND tỉnh dự phiên xử sơ thẩm vụ án Ngô Văn Thọ (20 tuổi) sát hại hàng xóm.
Trước đó vào ngày 3/5/2015 cả xã Tam Thành rúng động trước cái chết của ông Trần Ngọc Dũng (46 tuổi, trú tại thôn 9, Tam Thành). Hùng thủ chính là Thọ.
Ở hàng ghế bị hại, gia đình ông Dũng khăn tang quấn đầu, khóc nức theo từng câu chữ trong cáo trạng. Phía gia đình bị cáo cũng nghẹn ngào vì tội ác con mình gây ra. Là con thứ 3 trong gia đình có 5 anh em, học đến lớp 8, Thọ nghỉ học, ở nhà làm nông cùng bố mẹ. Cách đây 2 năm Thọ lấy vợ, rồi sống với bố mẹ, sinh được đứa con trai đầu lòng kháu khỉnh ...
Nụ cười thoáng nhanh trên gương mặt bị cáo Thọ trong giây lát được bồng con trai trong giờ nghị án
Thọ khai chiều hôm ấy sau khi đến nhà Võ Ngọc Quang (trú cùng thôn) và cùng Quang uống hết 1 lít rượu gạo, Thọ ra đường xin dưa hấu để ăn. Ăn xong dưa hấu, Thọ quay lại nhà Quang thì gặp ông Dũng đang nói chuyện với Quang. Thọ chào hỏi ông Dũng nhưng đáp lại ông Dũng bảo Thọ: “Mày là cái thá chi mà hỏi tao?”. Rồi hai bên lời qua tiếng lại. Đến khoảng 21h30, cơn giận không nguôi, Thọ về nhà lấy dao đi ra cầu Ba Lợi ngồi đợi. Khoảng 5 phút sau, trên đường về nhà, ông Dũng đi tới chỗ Thọ ngồi, tiếp tục thách thức. Xô xát xảy ra, Thọ chém ông Dũng tử vong.
Nước mắt muộn màng
Suốt phiên xử, cháu B. (13 tháng tuổi) khóc nên chị Cao Thị Mỹ Tú (20 tuổi, vợ Thọ) phải bồng con ra phía ngoài. Ôm con ngồi ở ghế đá sân tòa, Tú khóc nghẹn, mắt đỏ hoe hướng về phía chồng. Tú kể, từ ngày chồng gây tội ác, Tú phải bồng con về nhà mẹ đẻ để nương tựa. Gia tài hai vợ chồng là chiếc xe máy và ít trang sức của hồi môn đã phải bán sạch để đền cho gia đình bị hại. Từ ngày Thọ bị bắt, đã 2 lần Tú được bồng con vào trại thăm chồng. “Lần nào cũng vậy, Thọ đều ôm con và khóc sướt mướt. Anh ấy ân hận lắm, chỉ trách mình dại dột, nóng nảy gây tội ác. Em cũng chỉ biết động viên chồng thành khẩn, sau này cố gắng cải tạo để sớm về với vợ con” Tú nghẹn ngào.
Như một “đặc ân” trước giờ tuyên án, được sự cho phép của tòa, cảnh sát bảo vệ cho người nhà đưa cháu B. cho bị cáo Thọ bồng. Nụ cười thoáng hiện trên gương mặt bị cáo, sau bao ngày xa con. Nhưng rồi vụt tắt khi cháu B. đã lạ hơi cha khóc ré lên buộc các chiến sĩ cảnh sát phải tách cháu khỏi bị cáo. Với tay theo con, bị cáo Thọ hiểu rằng, vài phút nữa thôi, khi tòa tuyên án phải mấy chục năm nữa, bị cáo mới được gặp lại con thơ vi tội ác tày trời mình đã gây ra. Chứng kiến cảnh đó, nhiều người không cầm được nước mắt.
Ngoài mức án 20 năm tù giam, Tòa còn buộc bị cáo bồi thường hơn 110 triệu đồng cho gia đình bị hại và nuôi dưỡng 2 người con của ông Dũng đến 18 tuổi. Nghe xong phần tuyên án, Thọ khóc nức nghẹn ngào. Phía ngoài, chị Tú ngất xỉu trong vòng tay của dân làng. Bị dẫn giải ra xe tù, Thọ đưa mắt nhìn một lượt người thân, bà con làng xóm và gia đình bị hại. Ánh mắt bị cáo dừng lại ở phía mẹ mình đang bồng cháu cố gắng chen chân, nhanh chạy về phía xe tù nhưng đã không kịp. Cánh cửa xe đóng rầm lại, bỏ lại phía sau ánh mắt đau buồn của mẹ già và con thơ của bị cáo.
“Tội ác của con trai pháp luật đã trừng trị. Nhưng lương tâm làm cha làm mẹ với tình làng nghĩa xóm tòa nào phán quyết? Rồi đây, gia đình nghèo khó, vợ trẻ con thơ lấy đâu bồi thường cho gia đình họ…” bà Nguyễn Thị Nhung (mẹ bị cáo) bần thần nhìn theo xe tù, hú còi chở con mình về lại trại giam.