Dân Việt

Liên Hợp Quốc kêu gọi đánh IS bằng mọi biện pháp

Phương Đăng 21/11/2015 10:37 GMT+7
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vừa thông qua một nghị quyết do Pháp soạn thảo, kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới thực hiện "mọi biện pháp cần thiết" để chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

img

Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ảnh minh họa.

Việc bỏ phiếu thông qua nghị quyết chống IS diễn ra một tuần sau khi các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu làm rung chuyển Paris khiến 129 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. IS đã nhận trách nhiệm dàn dựng và thực hiện vụ tấn công. Tổng thống Pháp ngay sau đó đã lên tiếng tuyên chiến với tổ chức khủng bố này.

Ngoài ra, trước cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chỉ vài giờ, tại thủ đô Bamako của Mali cũng xảy ra vụ các chiến binh Hồi giáo cực đoan xông vào một khách sạn bắt giữ 170 con tin, bao gồm nhiều người nước ngoài.

Nghị quyết kêu gọi các nước sử dụng "tất cả các biện pháp cần thiết, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật nhân quyền quốc tế, luật nhân đạo và người tị nạn" để diệt trừ nơi trú ẩn của IS tại Syria và Iraq.

img

Nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia sử dụng "mọi biện pháp cần thiết" để đánh IS.

Tuy nhiên, nghị quyết vừa được phê chuẩn hôm 20.11 không trích dẫn Chương 7 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, trong đó cho phép sử dụng vũ lực. 

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an tại cuộc bỏ phiếu để thông qua nghị quyết chống IS, Đại sứ Pháp François Delattre nhấn mạnh: "Đây là hành động thừa nhận mối đe dọa mang tính chất đặc biệt đến từ IS.

img

Đại sứ Pháp François Delattre tại Liên Hợp Quốc trước cuộc bỏ phiếu.

Nga cũng đã bỏ phiếu thuận, báo hiệu sự đồng thuận ngoại giao hiếm có tại Hội đồng Bảo an.

Trong 4 năm qua, Nga và phương Tây không ngừng tranh cãi về cuộc xung đột ở Syria, với Moscow ủng hộ chính phủ Tổng thống Assad trong khi phương Tây ủng hộ phe đối lập Syria.

Nga cũng đã nêu đề xuất chống khủng bố của mình, trong đó, yêu cầu cuộc chiến chống IS cần phải phối hợp với các chính phủ của các nước bị ảnh hưởng trực tiếp - chính là chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Trước đó, Hội đồng Bảo an cũng đã ra một số nghị quyết chống lại các tổ chức khủng bố. Chẳng hạn, nghị quyết trừng phạt chống lại mạng lưới khủng bố al-Qaeda và các tổ chức, cá nhân liên quan nhằm mục đích ngăn chặn dòng chảy của các chiến binh nước ngoài, muốn gia nhập vào tổ chức này. Hội đồng Bảo an cũng từng ra nghị quyết cấm các hoạt động thương mại trong lĩnh vực dầu mỏ và buôn bán cổ vật với IS để chặn nguồn tài chính của tổ chức khủng bố này.