Dân Việt

Những bộ phim nổi tiếng thế giới bị cấm chiếu ở Ấn Độ

Nhi Quỳnh (tổng hợp) 23/11/2015 16:00 GMT+7
Cảnh nóng và cả cảnh hôn được báo giới nước ngoài ca ngợi cũng bị Ấn Độ cắt bỏ.

Phim về vụ cưỡng hiếp chấn động Ấn Độ

Bộ phim India’s Daughter (Người con gái của Ấn Độ) thuộc thể loại tài liệu, kể về vụ việc có thật từng gây chấn động quốc tế. Năm 2012, một nữ sinh viên y khoa 23 tuổi người Ấn đã bị cưỡng hiếp tập thể trên xe buýt ở New Delhi khi cùng bạn trai đi xem phim vào buổi tối.

13 ngày sau khi xảy ra sự việc, cô gái đã qua đời. Cái chết đau đớn vì bị làm nhục của cô gái gây nên làn sóng phẫn nộ, đấu tranh đòi giải quyết vấn nạn cưỡng hiếp xảy ra tràn lan trong đời sống ở Ấn Độ.

img

Sau cái chết của nữ sinh y khoa bị cưỡng hiếp, người dân Ấn Độ đấu tranh đòi quyền được tôn trọng cho nữ giới.

Trong bộ phim tài liệu này có cảnh phỏng vấn một trong những kẻ thủ ác trong câu chuyện. Những nhà làm phim India’s Daughter đã phải rất vất vả để xin được giấy cho phép vào phỏng vấn. Điều gây sốc là kẻ thủ ác Mukesh Sighn tiếp tục đổ lỗi cho nạn nhân. Hắn nói: “Một cô gái ngoan ngoãn sẽ không lêu lổng ngoài phố vào lúc 9h tối. Chính các cô gái phải chịu trách nhiệm nhiều hơn rất nhiều so với nam giới khi để xảy ra những vụ cưỡng hiếp”.

Phim đã được chiếu rộng rãi tại Mỹ trong khuôn khổ tranh giải Oscar ở hạng mục phim tài liệu và nhận được nhiều lời tán duyên về sức nặng ý nghĩa.

Tuy nhiên ngay trên chính quê nhà Ấn Độ, phim lại chịu lệnh cấm ra rạp. Các nhà chức trách Ấn Độ cho rằng, việc chiếu India’s Daughter có thể làm khơi lại làn sóng đấu tranh trong dư luận. Họ lo sợ bộ phim sẽ “kích động bạo lực chống lại phụ nữ”.

Trái với những lo lắng này của ban kiểm duyệt phim Ấn Độ, nữ diễn viên kỳ cựu Hollywood Meryl Streep – người từng giành 3 tượng vàng Oscar cũng là người giới thiệu bộ phim này trong lần công chiếu ở New York (Mỹ) trong tháng 10 vừa qua đã nhận định, đây là bộ phim “xứng đáng đoạt giải Oscar trong hạng mục phim tài liệu xuất sắc nhất”.

Blue Jasmine (2013)

Bộ phim chứng minh sức cuốn hút với khán giả qua các giải thưởng lớn ở các lễ trao giải, trong đó có giải Oscar ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất năm 2013 thuộc về Cate Blanchett. Phim mang đến cảm xúc chân thực cho người xem trong câu chuyện về một người phụ nữ giàu có bỗng trở nên nghèo túng sau khi chồng cô bị bắt vì kinh doanh gian lận.

img

Nữ diễn viên Cate Blanchett trong một cảnh phim Blue Jasmine.

Tuy nhiên, bộ phim danh tiếng thế giới này đã bị cấm chiếu ở Ấn Độ vì trong phim có hai cảnh hút thuốc.

Trong luật pháp Ấn Độ cấm đưa hình ảnh thuốc lá lên mọi loại hình nghệ thuật để ngăn chặn việc quảng bá cho sản phẩm này. Theo tổ chức  Y tế thế giới WHO, số người hút thuốc tại quốc gia này chiếm đến 12% trên toàn cầu. Tính đến năm 2009, có khoảng 900.000 người chết mỗi năm tại Ấn Độ là vì thuốc lá.

50 sắc thái

Bộ phim được chuyển thể từ phần 1 trong bộ tiểu thuyết cùng tên, xây dựng một câu chuyện tình yêu của tỷ phú giàu có nhưng sở thích quan hệ tình yêu bạo lực. Trước và sau khi công chiếu, phim vấp phải nhiều tranh cãi nhưng trong mắt các chuyên gia phê bình phim 50 sắc thái là một bộ phim nghệ thuật.

Điểm gây tò mò của 50 sắc thái là những cảnh "yêu" giữa cô nữ sinh ngây thơ chưa biết đến ái tình và chàng tỷ phú điển trai giàu dục vọng quái gở.

img

Cảnh trong phim "50 sắc thái".

Tuy nhiên, Hội đồng kiểm duyệt phim Ấn Độ đã từ chối đưa bộ phim này mặc dù nhà sản xuất đã cắt đi một số cảnh nóng cũng như loại bỏ cảnh khỏa thân trong phim.

Một số quốc gia châu Á điển hình là Hàn Quốc tỏ ra dè dặt khi mua bản quyền phim này chiếu tại các rạp nhưng trước sức nóng của phim, họ đã đồng ý để 50 sắc thái lên màn ảnh rộng. Bên cạnh đó, một số quốc gia ngoài Ấn Độ như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Kenya, các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất và cả Việt Nam cũng đã cấm chiếu bộ phim này.

Phim Cô dâu 8 tuổi suýt bị cấm chiếu ở Ấn Độ

Bộ phim Cô dâu 8 tuổi lấy đề tài về nạn tảo hôn ở vùng nông thôn Ấn Độ qua cuộc đời của nhân vật nữ chính Anandi lấy chồng từ thuở nhỏ. Thành công của bộ phim thể hiện ở việc trở thành phim truyền hình dài tập nhất ở Ấn Độ với 1.927 tập. Các diễn viên trong phim cũng nhận được nhiều giải thưởng lớn.

img

Cô dâu 8 tuổi đề cập về nạn tảo hôn ở vùng nông thôn Ấn Độ.

Tuy nhiên trên thực tế, Cô dâu 8 tuổi từng bị một chủ tịch Đảng Janata Dal yêu cầu cấm phát sóng ở nước này vì vi phạm Hiến pháp Ấn Độ khi đưa vấn đề tảo hôn lên màn ảnh. Sau đó, Quốc hội Ấn Độ vẫn cho phép bộ phim lên sóng vì Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Ấn Độ không ngăn cản “quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt”.

Cảnh nóng trong 007: Spectre bị cắt bỏ khi chiếu ở Ấn Độ

Trong phần 24 của series phim về điệp viên 007, Daniel Craig tiếp tục thủ vai James Bond và có những cảnh nóng cùng hai người đẹp Monica Bellucci và Lea Seydoux. Bộ phim thống lĩnh doanh thu trong tuần đầu tiên ra mắt ở Mỹ với hơn 300 triệu USD sau 2 tuần đầu ra mắt. Tuy nhiên, bộ phim về chàng điệp viên nổi tiếng đã bị kiểm duyệt khắt khe tại Ấn Độ.

img

Cảnh hôn môi giữa Daniel Craig và  Monica Bellucci.

Ngoài những cảnh nhạy cảm thì cảnh hôn trong phim cũng bị ban kiểm duyệt phim Ấn Độ biên tập lại chỉ còn vài giây. Truyên thông quốc tế ca ngợi cảnh "khóa môi" giữa Daniel Craig và  Monica Bellucci nhưng khán giả Ấn Độ lại không được xem những chi tiết ngọt ngào làm nên sức cuốn hút của điệp viên 007.

imgimg

Cư dân mạng Ấn Độ phản pháo lại việc cắt cảnh trong 007 bằng loạt ảnh chế.

Để phản đối việc 007: Spectre bị cắt cảnh, cư dân mạng Ấn Độ đã chế ảnh hài hước cho nhân vật điệp viên 007 Daniel Craig trong một cảnh cởi trần từ Casino Royale và cảnh mặc bikini của mỹ nhân Honey Rider trong Dr.No theo đúng tiêu chí: không nhạy cảm.