Vào cơ quan công an trộm xe của chính mình
Ngày 16/11 TAND huyện Thanh Sơn, Phú Thọ đã tuyên án Đỗ Sơn T. mức án 24 tháng tù cho hưởng án treo về hành vi trộm cắp tài sản.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 18/2/2015 Trần Tuấn Anh và Đỗ Sơn T. (cùng trú ở Thục Luyện, Thanh Sơn, Phú Thọ) điều khiển chiếc xe máy SH Mode 19C1… đi quốc lộ 32 đoạn qua địa phận thị trấn Thanh Sơn thì bị tổ tuần tra kiểm soát Công an huyện Thanh Sơn ra tín hiệu dừng xe, lập biên bản vi phạm hành chính đối với lỗi không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe…
Theo biên bản vi phạm hành chính chiếc xe máy bị tạm giữ trong thời hạn 07 ngày. Sau đó, Công an huyện Thanh Sơn đưa xe vi phạm về bãi giữ xe. Do sắp đến Tết nguyên đán và đây là phương tiện duy nhất dùng để đi lại của gia đình T. nên T. nảy sinh ý định quay vào đồn công an để lấy trộm xe này về để đi lại.
Từ khi trở thành bố, T. chăm chỉ hẳn lên và sống trách nhiệm với gia đình.
T. về nhà lấy chìa khóa phụ, rồi đi vòng qua nhà bảo vệ đến khu để xe máy vi phạm thì thấy xe máy của mình không khóa cổ, khóa càng, xung quanh không có người nên cắm chìa khóa dự phòng nổ xe máy và đi về nhà mình.
Sau khi đưa xe về nhà được 15 phút thì Công an huyện Thanh Sơn đã tiến hành bắt giữ T. cùng tang vật là chiếc xe máy.
Nhận thấy, việc vào bãi xe vi phạm lấy cắp xe về của T. là hành vi nguy hiểm cho xã hội, cơ quan tiến hành tố tụng đã truy tố T. tội Trộm cắp tài sản theo Điều 138 Bộ luật hình sự.
Trách nhiệm của người làm cha
Khi T. bị bắt tạm giam cũng là lúc vợ T. mới mang thai được vài tháng. Thời gian bị tạm giam không được chăm sóc vợ, không được thấy con lớn lên từng ngày trong bụng mẹ, T. cảm thấy day dứt và ăn năn về hành vi của mình.
Sau này, khi được tại ngoại điều tra T. tâm sự: Khi bị bắt, em cũng không nghĩ hành vi của mình lại là trái pháp luật. Em thấy hối hận vì chỉ vì phút nông nổi, thiếu hiểu biết của em mà mẹ em, vợ em khổ. Nhất là cô ấy ( Vợ T. – PV) phải vượt cạn một mình khi không có em. Nên em thấy thương lắm”.
“Giờ đây em đã là bố, em thấy mình có trách nhiệm với vợ, với con”, T. chia sẻ.
Theo lời bà Kim Hoa, mẹ T. bản thân T. không phải là thanh niên ngổ ngáo gì. Nhưng cứ mỗi lần uống rượu vào, không làm chủ được bản thân là lại có chuyện. Lúc đấy T. chẳng nghe ai cả, ngang bướng lắm. Nhiều khi lại theo lũ bạn rủ là đi chơi rồi thành ra như thế.
“Không dạy được con có lúc tôi đã phải làm đơn nhờ đến chính quyền địa phương giáo dục cho nó nên người”, bà Hoa tâm sự.
Ngày T. được tại ngoại để phục vụ điều tra sau gần 6 tháng tạm giam tại Công an huyện, vợ T. cũng vừa sinh. Có lẽ, cũng chính vì có thời gian được suy nghĩ ở trong trại tạm giam và sự xuất hiện một sinh linh bé bỏng đã làm thay đổi nhận thức và con người T.
Trước ngày ra tòa được mấy hôm, vợ T. hớn hở khoe với chúng tôi: “Anh ý dạo này chăm lắm chị à. Sáng dậy sớm lo hết các việc lặt vặt rồi phụ giúp gia đình.
Từ ngày được về đến giờ buổi tối cũng có vài bạn đến rủ đi chơi nhưng anh T. đều từ chối…bảo ở nhà chăm vợ, chơi với con”, vợ T. cười nói.
Tại phiên tòa ngày 16/11, khi được nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử vào nghị án, T. đã thành khẩn nhận lỗi:
Bị cáo cảm thấy xấu hổ vì con bị cáo mới 2 tháng tuổi mà đã có người cha phải đứng trước vành móng ngựa.
Bị cáo đã biết lỗi và xin hứa sẽ không tái phạm. Bị cáo mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật để được có cơ hội chăm sóc vợ con, phụng dưỡng bố mẹ già”.
Nhận thấy, T. là lao động chính trong gia đình, đã thành tâm hối cải, lại có bố là người tàn tật, gia đình có công với cách mạng, đây cũng lần đầu tiên bị cáo phạm tội, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo T. 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
* Tên một số nhân vật đã được viết tắt hoặc thay đổi