Còn bó hẹp người vay
Ông Nguyễn Văn Chương, ở xã Tân Hưng (Sóc Sơn, TP. Hà Nội) cho biết: “Nhà tôi vốn chỉ làm ruộng, năm trước tôi đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng của Ngân hàng NNPTNT (Agribank) đầu tư mô hình trang trại tổng hợp, nuôi gà, ngan, vịt, lợn siêu nạc nên chỉ sau 6 tháng đã có lợi nhuận, trả được cả vốn và lãi cho ngân hàng”. Đến nay, trang trại của ông Chương đã có 150.000 con gà, 1.000 con vịt, 2.000 con ngan sinh sản, 40 con lợn nái. Trung bình mỗi năm cho thu nhập hơn 200 triệu đồng.
Cán bộ Agribank đang thẩm định mô hình của ông Nguyễn Văn Chương ở thôn Ngô Đạo xã Tân Hưng (Sóc Sơn, TP. Hà Nội). Ảnh: T.X
Cùng chung những thành công từ đồng vốn vay của ngân hàng, ông Nguyễn Văn Phúc ở thôn Thanh Hà, xã Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ: “Gia đình tôi chuyển sang mô hình nuôi lợn siêu nạc từ năm 2005. Trước đây, để vay được vốn từ ngân hàng rất khó. Song năm ngoái nhà tôi đã vay được 300 triệu đồng để mở rộng trang trại và ngân hàng không cần đòi hỏi tài sản thế chấp, chỉ cần thẩm định tài sản thực tế là đàn lợn trong chuồng của mình thôi”.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, sau 5 năm triển khai Nghị định số 41 cho thấy, bên cạnh một số kết quả đã bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể như, đối tượng còn bó hẹp, chỉ ở phạm vi các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, chủ trang trại cư trú và có cơ sở hoặc dự án sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn; mức cho vay không có bảo đảm tài sản còn thấp, các hộ vay được cao nhất cũng chỉ 100 triệu đồng…
Trước những bất cập đó, ngày 25.7.2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55 để thay thế. Cụ thể như bổ sung đối tượng được vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; nâng mức cho vay không có tài sản đảm bảo tăng gấp 1,5 - 2 lần. Đối với các hộ trồng cây công nghiệp lâu năm, hộ sản xuất, hợp tác xã, chủ trang trại, liên hợp tác xã... được áp dụng các mức vay không có tài sản đảm bảo từ 200 triệu đồng đến 3 tỷ đồng.
Bất cập nằm ở “sổ đỏ”
Dù Nghị định 55 được cho đã có cơ chế chính sách mạnh hơn Nghị định 41 nhưng khi triển khai xuống các địa phương vẫn còn một số bất cập.
Ngay như với trường hợp của ông Chương (Sóc Sơn), dù giá trị tài sản tại trang trại từ gà, ngan, vịt và lợn hiện tại lên tới hơn 3 tỷ đồng, chưa kể đất trang trại hơn 4.000m2 nhưng ông Chương vẫn không thể dùng các tài sản này để thế chấp. “Tôi muốn mở rộng trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc, nên cần vay thêm ngân hàng 500 triệu đồng nhưng theo quy định phải có tài sản thế chấp mới vay được. Còn tài sản của tôi dù có giá trị cao, nhưng do không được coi là tài sản bảo đảm do chưa có chứng nhận quyền sử dụng đất”- ông Chương chia sẻ.
Cùng chung nhận định như ông Chương, ông Phúc (Sóc Sơn) cho biết: “Hiện dư nợ của gia đình tôi tại Agribank là hơn 1 tỷ đồng và ở Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) 500 triệu đồng. Tôi muốn vay thêm 1 tỷ đồng nữa để mở rộng sản xuất, nhưng lại không đủ tài sản thế chấp. Lý do là, trang trại chưa được cấp giấy chứng nhận”.
Theo ông Phúc, dù tài sản đầu tư vào trang trại của ông là 10 tỷ đồng nhưng để vay tiếp vốn không hề đơn giản. Bởi theo Nghị định 55, nếu không có tài sản thế chấp, muốn vay tín chấp tối đa cũng chỉ được giải ngân 100 triệu đồng dù theo quy định của Nghị định 55 là 1 tỷ đồng đối với trang trại. “Nếu tôi là ngân hàng thì cũng phải tính tới vấn đề an toàn nguồn vốn, không thể cho nông dân vay tiền tỷ mà không có thế chấp gì bởi sản xuất nông nghiệp được coi là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro”- ông Phúc chia sẻ.
Bà Trịnh Thị Loan – Giám đốc Phòng giao dịch Agribank Nỉ (Sóc Sơn), cho biết, hiện dư nợ cho vay của chi nhánh là gần 100 tỷ, trong đó có 80% là cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện rất hiệu quả, nợ xấu ở khu vực này cũng giảm từ 5% xuống còn 2%. Tuy nhiên, bà Loan cũng thừa nhận, sau 5 năm triển khai Nghị định 41 và hiện tại là Nghị định 55 cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn, việc cho vay tín chấp vẫn còn hạn chế, vướng mắc chính là hầu hết các hộ sản xuất, kinh doanh chưa được cấp bìa đỏ nên mức độ cho vay vẫn phải ở mức cho phép để bảo toàn nguồn vốn.
Theo đại diện Agribank, nguồn vốn theo quy định của Nghị định 55 thì nhiều, nhưng thực tế chỉ dựa vào nguồn vốn huy động của ngân hàng, mà nguồn vốn huy động của Agribank thì lãi suất cạnh tranh, vì thế nguồn vốn có lãi suất huy động rẻ còn rất hạn chế.
Để người dân tiếp cận được Nghị định 55, đại diện Agribank đề nghị Chính phủ cần có chính sách xử lý thiệt hại, hỗ trợ đối với rủi ro khách quan, bất khả kháng trong phạm vi hẹp cho nông dân và các tổ chức tín dụng. Đồng thời, đề nghị Bộ TNMT chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận trang trại cho chủ trang trại... |