Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục phổ thông năm học 2015-2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành đã thể hiện một cách đầy đủ, bao quát các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm của bậc học phổ thông. Có thể nói đây là kim chỉ nam, định hướng cho mọi hoạt động giáo dục của từng địa phương, cơ sở giáo dục trong năm học. Tuy nhiên, việc thực hiện các hướng dẫn trong thực tế còn xa vời.
Giảm áp lực, bệnh thành tích
Nhiều cán bộ giáo dục, thầy cô giáo đang quản lý, học dạy ở bậc phổ thông bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với những điểm mới của hướng dẫn. Thầy Lê Thê - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chánh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi - cho biết: “Tôi tâm đắc với việc không tổ chức thi học sinh giỏi ở tất cả cấp quản lý; không giao chỉ tiêu học sinh tham gia các cuộc thi khác. Cái được của việc không tổ chức thi học sinh giỏi là rất lớn, giảm áp lực, căng thẳng cho học sinh, bớt đi bệnh ứng thí, sính thành tích trong học sinh, phụ huynh, nhà trường, tạo thêm điều kiện, kinh phí để giáo dục toàn diện. Cái được của không giao chỉ tiêu học sinh tham gia các cuộc thi khác để nhà trường cân nhắc, lựa chọn các cuộc thi phù hợp với khả năng của học sinh mình, đồng thời bớt đi áp lực về chuyện tranh đua, hơn, thua”.
Những đổi mới nhằm giảm tải cho học sinh rất khó thực hiện trong thực tế Ảnh: TẤN THẠNH
Thầy Nguyễn Ngọc Thái, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông), chỉ ra ưu điểm của hướng dẫn đó là tổ chức cho học sinh hát Quốc ca tại lễ chào cờ Tổ quốc; tăng cường giáo dục thể chất, rèn luyện sức khỏe học sinh thông qua tập thể dục buổi sáng và tập thể dục giữa giờ. “Trước đây, một thời gian dài, chúng ta bỏ những việc không hề nhỏ ấy. Nay tổ chức và yêu cầu học sinh hát Quốc ca trong tiết chào cờ sáng thứ hai hằng tuần làm sâu sắc thêm tình cảm, hồn thiêng sông núi, ý thức về Tổ quốc, dân tộc mình ở mỗi học sinh” - thầy Thái khẳng định. Nhiều giáo viên cũng cho rằng việc tổ chức tập thể dục buổi sáng và giữa giờ cũng là điều rất cần thiết để học sinh hình thành thói quen luyện tập, rèn luyện sức khỏe bản thân. Vì nhiều em học sinh, thanh thiếu niên bây giờ lười tập thể dục, suốt ngày mải học hành và chơi game…, thân hình thì mập mạp, to lớn nhưng lại chậm chạp, yếu ớt.
Cô N.T.T.T, giáo viên của một trường tiểu học ở TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) cho rằng Thông tư 30 - đánh giá bằng lời nhận xét thay cho điểm số cụ thể ở bậc tiểu học - sau 1 năm “dậy sóng, có nhiều ý kiến trái chiều; quá trình thực hiện nảy sinh một số vấn đề bất cập, khó khăn cho giáo viên đã có thêm các văn bản, hướng dẫn điều chỉnh, bổ sung theo hướng phù hợp với thực tế và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ sở giáo dục, thầy cô giáo tiểu học. “Chúng tôi hoan nghênh quy định cụ thể, rõ ràng của Bộ GD-ĐT. Đối với học sinh học 2 buổi/ngày, học sinh được tự học có sự hướng dẫn của giáo viên để hoàn thành nội dung học tập tại lớp, nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh, giáo viên cần hướng dẫn sử dụng sách, vở hằng ngày để học sinh không phải mang theo sách vở nhiều khi tới trường; sử dụng có hiệu quả sách và tài liệu tại thư viện nhà trường” - giáo viên này chia sẻ.
Xa rời thực tế
Từ hướng dẫn nhiệm vụ này, vấn đề quan trọng hàng đầu là nằm ở nhận thức, trách nhiệm và quá trình thực hiện của các sở, phòng GD-ĐT và các đơn vị nhà trường. Có thực tế đáng buồn, mặc dù hướng dẫn yêu cầu không tổ chức thi học sinh giỏi tất cả cấp quản lý, thế nhưng nhiều nơi, đơn vị vẫn đang ráo riết bồi dưỡng, huấn luyện các đội tuyển để dự thi học sinh giỏi các cấp.
Văn bản chấn chỉnh tình trạng lạm thu, tình trạng dạy, học thêm tràn lan ở bậc tiểu học tiếp tục được cơ quan chủ quản cụ thể hóa song “sức răn đe” của nó trong thực tiễn rất yếu ớt, chiếu lệ. Như vậy, văn bản quy định một đằng nhưng thực hiện lại một nẻo, kiểu “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. Nhiều quy định, nội dung hoạt động giáo dục khá phong phú, toàn diện các mặt nhưng lại bị không ít nhà trường làm hời hợt, qua loa, hình thức, thậm chí cắt xén, bỏ luôn như hoạt động ngoài giờ lên lớp, hướng nghiệp với những lý do: thiếu về kinh phí, con người, có quá nhiều công việc phải thực hiện...
Thiết nghĩ, trong hoàn cảnh này, khó có thể hy vọng và tin cậy hoàn toàn vào trách nhiệm, ý thức, tính tự giác cao của các trường, thầy, cô giáo trong việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định, hướng dẫn của cấp trên. Do vậy, các cấp quản lý không thể ngồi chờ nhận, tổng hợp báo cáo tại bàn giấy mà cần tăng cường công tác kiểm tra thực tế để nắm bắt cụ thể tình hình, có những định hướng và xử lý nghiêm khắc đối với các trường nói thì hay, báo cáo thì giỏi nhưng chẳng làm được gì mấy cho học sinh, phụ huynh và có hình thức xử lý hợp lý đối với các thầy cô cố tình vi phạm về quy định dạy thêm, học thêm...
Khó đáp ứng Thầy Võ Kim Hảo - Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Khoa Huân, quận Tân Bình, TP HCM - bày tỏ những điểm mới của Bộ GD-ĐT hướng đến giáo dục toàn diện, chú trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tập dượt tính tự quản, tự chủ cho học sinh phổ thông trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Cái khó hiện nay đối với nhiều nhà trường trong việc tổ chức, triển khai tốt các nội dung là nguồn kinh phí còn hạn hẹp, khả năng kiêm nhiệm của một số giáo viên chưa thể đáp ứng được. |