Anh Nguyễn Văn Chiến, 38 tuổi, trú tại Hồng Tiến, Kiến Xương (Thái Bình) - bố cháu bé kể lại, con trai anh sống trên thuyền với ông bà nội, bố mẹ đi làm.
Sợ cháu ngã xuống nước, ông bà đã buộc chân cháu vào sợi dù, đầu kia buộc vào mạn thuyền. Không may, một đầu dây dù đã cuốn vào máy nổ của thuyền, kéo căng dây dù và cắt đứt bàn chân cháu bé. Ông nội đã vứt bàn chân của cháu xuống sông và đưa đi cấp cứu. Nhưng khi điện thoại cho các bác sĩ, được mách có thể cứu chân, người nhà lại thuê người mò bàn chân lên, cho vào túi nilon sạch, rồi cho vào thùng đá.
BS Giang cho biết, cháu bé được đưa đến BV trong tình trạng chân phải đứt rời tại khớp cổ chân, chỗ đứt dập nát, các mạch máu rất nhỏ, đưa lên viện khá muộn (sau 10 giờ bị đứt). Tuy nhiên, để cứu tương lai cho cháu bé, các bác sĩ đã dùng kính hiển vi, phẫu thuật nối thành công từng động mạch, tĩnh mạch và các dây thần kinh. Sau 16 ngày, chân cháu bé đã hồng ấm, có các dấu hiệu sự sống.
Do cháu bị đứt chân ngang khớp, không phải cắt bớt xương dập, nên khả năng chân cháu có thể phục hồi bình thường là rất lớn. Sau 2 tuần, cháu sẽ được tháo đinh, tháo bột và phục hồi chức năng. Hôm nay, mùng 6.9, cháu bé sẽ ra viện.
Theo BS Giang, tất cả các ca tai nạn mất chân, tay, tai, mũi, da đầu, dương vật đều có thể phẫu thuật nối liền với khả năng thành công cao.
Tuy nhiên, sau khi bị tai nạn, người nhà cần nhặt ngay bộ phận đứt rời, bọc vào một miếng gạc (nếu có). Sau đó cho vào túi nilon sạch, buộc kín, cho vào nilon đựng nước và cuối cùng là cho vào hộp đựng đá.
Việc này tránh cho bộ phận đứt bị nhiễm khuẩn hoặc bỏng lạnh. Ca phẫu thuật nối liền sẽ thành công nếu được đưa đến BV chậm nhất từ 6-10 tiếng tai nạn.
Diệu Linh