Dân Việt

Mong manh ranh giới nghèo - cận nghèo

Minh Nguyệt 24/11/2015 06:32 GMT+7
Theo chuẩn nghèo mới, số hộ nghèo và cận nghèo đều sẽ tăng lên. Một vấn đề mà các chuyên gia lo ngại là việc xác định hộ nghèo hay cận nghèo sẽ không dễ dàng...

Tăng gánh nặng ngân sách

Như NTNN đã thông tin, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, hộ nghèo khu vực nông thôn là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Hộ nghèo khu vực thành thị là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống; có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1,3 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

img

Xã Đông Cửu, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ còn trên 34% hộ nghèo, đời sống gặp rất nhiều khó khăn (ảnh chụp tại một hộ nghèo tại thôn Dấu Cỏ  ngày 18.11). Ảnh: Trần Quang

Về tiêu chí hộ cận nghèo khu vực nông thôn, theo quy định đó là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Còn hộ cận nghèo khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Quyết định nêu rõ, các dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm 5 dịch vụ: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm 10 chỉ số: Tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.

Với tiêu chí chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước sẽ tăng thành 12% dân số, tăng gần gấp 3 lần so với chuẩn nghèo đơn chiều (4,5% dân số). Số hộ cận nghèo cũng tăng lên 6% dân số (năm 2014 là 5,8%). Dự kiến ngân sách hỗ trợ giai đoạn mới là xấp xỉ 63.000 tỷ đồng, tăng khoảng 15.000 tỷ đồng so với giai đoạn 2011- 2015.

Ông Nguyễn Trọng Đàm – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, mức chuẩn nghèo được Chính phủ công bố không cao, nhưng đã được các đơn vị có liên quan tính toán kỹ lưỡng dựa vào sự cân đối ngân sách quốc gia và tình hình phát triển kinh tế của đất nước. 

Khó xác định ranh giới  hộ nghèo và cận nghèo

" Nếu tính theo tiêu chí chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo sẽ tăng lên 12%, hộ cận nghèo là 6%. Theo tính toán, ngân sách hỗ trợ giai đoạn mới tăng khoảng 15.000 tỷ đồng so với giai đoạn trước. Hiện tại, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tập trung rà soát hộ nghèo, cận nghèo và tích cực chuẩn bị triển khai giảm nghèo đa chiều từ năm 2016”. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn  tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII

Như vậy, với mức chuẩn nghèo mới được tính toán dựa trên 2 chiều cơ bản là thu nhập và tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, địa phương có thể dễ dàng xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể.

Ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng giảm nghèo quốc gia (Bộ LĐTBXH) lấy ví dụ: Trong trường hợp gia đình A sống ở nông thôn, nếu  thu nhập của các thành viên trong gia đình  dưới 700.000 đồng/ người/tháng thì được tính là hộ nghèo. Gia đình B tuy mức thu nhập của các lao động chính trên 700.000 đồng/ người (thấp hơn 1 triệu đồng) nhưng lại thiếu hụt từ 3/5 dịch vụ cơ bản trở lên (nhà ở, giáo dục, vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, tiếp cận thông tin) thì vẫn được tính là hộ nghèo.

“Trường hợp hộ gia đình cùng lúc vừa không đảm bảo thu nhập, tức là thu nhập dưới 700.000 đồng/người/tháng, lại thiếu hụt một trong các dịch vụ cơ bản thì đương nhiên gia đình đó được xếp là hộ nghèo, thậm chí là nghèo cùng cực” – ông Thi nhấn mạnh.

Thế nhưng, theo ông Nguyễn Trần Lâm - phụ trách chương trình nghiên cứu của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, chuyên gia giảm nghèo, thì dù đã có những quy định cụ thể trong việc xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo thì việc xác định cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.

“Ví dụ tiêu chí thu nhập của hộ nghèo và cận nghèo cũng chỉ dao động ở khoảng trên dưới 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn. Như vậy chỉ chênh lệnh vài nghìn, vài chục nghìn đồng là 1 hộ nghèo cũng có thể trở thành cận nghèo. Ngay cả tiêu chí về sự thiếu hụt các dịch vụ cơ bản cũng vậy. Nhiều khi chỉ hơn nhau một cái nhà vệ sinh, một cái thẻ bảo hiểm y tế thôi là việc xác định cũng đã khác” – ông Lâm dẫn chứng.

Theo ông Lâm, ngoài những khó khăn do tỷ lệ hộ nghèo tăng lên, nhu cầu ngân sách đáp ứng lớn hơn thì chương trình giảm nghèo đa chiều cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn mới do tình trạng nghèo đói kinh niên, cùng cực trong nhóm đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Việc chuyển đổi tiếp cận từ nghèo đơn chiều sang đa chiều ở Việt Nam còn nhiều điểm mới, khó trong việc xác định ranh giới giữa hộ nghèo, hộ cận nghèo…

 Tôi cho rằng mức chuẩn nghèo mới được Chính phủ ban hành mới đây còn thấp, nhưng cũng phù hợp trong bối cảnh tình hình đất nước vẫn còn nhiều khó khăn. Thống kê của Chính phủ, thu nhập bình quân trên một người hiện đã tăng từ 1.100 USD lên 2.200 USD/năm (gần 2-4 triệu/tháng), vì thế mặt bằng về kinh tế đã nâng lên. Mặt khác mặt bằng về trình độ dân trí, sức khỏe, giáo dục... cũng có những đổi thay rõ rệt, vì vậy việc ban hành chuẩn nghèo theo tiêu chí đa chiều là một sự nỗ lực của Chính phủ để đảm bảo mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.

TS Trần Văn Miều – Chuyên gia giảm nghèo, Bộ LĐTBXH

Nhìn nhận bình diện chung thì mức chuẩn nghèo Chính phủ ban hành mới đây là phù hợp. Về cơ bản, sau một thời gian thực hiện, chắc chắn Chính phủ sẽ có những cân nhắc, đánh giá, sửa đổi mức chuẩn nghèo cho phù hợp với tình hình hiện tại. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần phải có những nghiên cứu sâu hơn về nghèo đa chiều để có thể ứng dụng trong việc thực hiện giảm nghèo đa chiều tại địa phương, bởi nghèo đa chiều vừa mang tính định lượng lại mang tính định tính. Hiện nay, góc độ định lượng về  cơ bản chúng ta đã làm được, nhưng định tính thì chúng ta làm chưa tốt. Ví dụ ta có thể tính được mức thu nhập, có thể đo sự thiếu hụt ở một hộ gia đình không có nhà ở, nhưng lại không thể đo được chất lượng nhà ở... chính bởi vậy việc xác định hộ nghèo thường rất khó khăn. Nếu không thận trọng, có thể xảy ra nhầm lẫn, không công bằng”.

Ông Nguyễn Trần Lâm - chuyên gia giảm nghèo, Phụ trách Chương trình nghiên cứu của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam

Nguyệt Tạ (ghi)