Dân Việt

Thiếu việc làm, dân gùi hàng lậu kiếm sống

Ngọc Vũ 24/11/2015 11:06 GMT+7
Không có đất, không có việc làm, nhiều hộ dân ở các vùng biên của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) chẳng biết làm gì để sống. Cùng quẫn, họ đành bám lấy nghề... gùi hàng lậu.

Để có tiền đong gạo

Chỉ riêng 10 tháng đầu năm 2015, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã phối hợp lực lượng hải quan, công an địa phương bắt giữ 260 vụ buôn lậu, gian lận thượng mại với tổng trị giá hàng hóa khoảng 1,7 tỷ đồng. Buôn lậu ở Quảng Trị chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Chủ đầu nậu thuê cửu vạn gùi, cõng hàng vượt biên trái phép. Dù bị truy lùng gắt gao nhưng hễ có người thuê là cửu vạn lại mừng rỡ cõng hàng lậu. Vì sao thế? Câu trả lời được chị Trần Thị G (trú khóm Duy Tân, thị trấn Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị) giải đáp trong nước mắt...

img

 Chị Trần Thị G: “Tôi không muốn gùi hàng lậu, nhưng không gùi biết lấy gì nuôi sống gia đình”.   Ảnh: N.V

Nhà nghèo, phải nuôi 4 mặt con và cha mẹ già yếu trên 70 tuổi nên cuộc sống của gia đình chị G lúc nào cũng túng quẫn. Năm 2008, chị Gái đánh liều theo nhóm cửu vạn ở khóm Duy Tân băng rừng gùi hàng lậu thuê. Mỗi chuyến gùi hàng thành công chị được chủ lậu trả 30.000 đồng. “Đêm nào thuận lợi tôi gùi 5 chuyến, thế là có tiền đong gạo, nhưng mà lâu lắm mới được vậy” – chị G nói nhỏ. Khi được hỏi có biết gùi hàng lậu là sai, chị G gật đầu: “Cũng chẳng ai muốn làm cái việc lén lút, chui lủi bụi bờ đêm hôm, nhưng đất sản xuất, vốn liếng, trình độ cái gì cũng không có, không gùi hàng lậu thì lấy gì mà ăn, tiền đâu cho con đi học?”.

Gia cảnh của chị Lê Thị H (bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, Hướng Hóa) càng xót xa hơn. Vì miếng ăn, 10 năm qua chị đành theo chân các chị em khác gùi hàng lậu kiếm ngày 100.000 đồng đong gạo, nuôi con ăn học. Con trai chị đỗ vào 1 trường cao đẳng ở Đà Nẵng nhưng chỉ theo học được nửa năm đành phải bỏ về... gùi hàng lậu cùng mẹ vì cha bị bệnh nặng. “10 năm gùi hàng, lưng tôi sắp gãy rồi, giờ không có con trai phụ tôi không làm nổi, mà không làm thì tiền đâu cho chồng uống thuốc, rồi nuôi con đi học” - chị H khóc.

Việc làm là giải pháp căn cơ

" Tôi mong có đất đai để làm ăn, ít ra là trồng chuối nhưng gửi đơn lên chính quyền xin hoài mà họ bảo quỹ đất đã hết. Giờ tôi chỉ mong kiếm ngày trăm ngàn đồng cho con cái ăn học đàng hoàng, sau này có việc làm, không cần gùi hàng lậu kiếm cơm như mẹ nó nữa”.

Chị Trần Thị G

Thiếu tá Nguyễn Văn Hồng – Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cho biết, đơn vị phụ trách địa bàn thị trấn Lao Bảo và xã Tân Thành (thuộc Hướng Hóa). Đơn vị đã nắm rõ danh tính của 7 đầu nậu và 134 cửu vạn. Cửu vạn đều là đối tượng không có việc làm ổn định, hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù đơn vị đã quyết liệt phòng chống buôn lậu nhưng tình hình vẫn căng thẳng.

“Nghe anh em biên phòng vận động, cửu vạn hiểu vận chuyển hàng lậu là sai nhưng họ nói không gùi hàng lậu lấy gì mà ăn, mà cho con đi học” – thiếu tá Hồng cho hay.

Theo thiếu tá Hồng, thực tế việc bắt giữ, xử lý các đối tượng cửu vạn chỉ là giải pháp chặt đầu ngọn tre. Bởi bao năm nay lực lượng bắt giữ hàng ngàn vụ nhưng buôn lậu vẫn còn dai dẳng. Giải pháp căn cơ là phải tạo việc làm ổn định cho những cửu vạn nói trên. Khi cửu vạn không còn, tự khắc các chủ nậu phải bỏ nghề, từ đó buôn lậu mới chấm dứt được. “Đồn Biên phòng cửa khẩu Lao Bảo đã nhiều lần có ý kiến với huyện Hướng Hóa về vấn đề tạo việc làm cho cửu vạn nhưng chưa nhận được câu trả lời nào” – thiếu tá Hồng nói.

Tuy nhiên, ông Võ Thanh – Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa lại cho rằng, không phải vì không có việc làm mà người dân Hướng Hóa đi buôn lậu. Buôn lậu là do tồn tại các chủ đầu nậu, dẹp được họ thì nạn buôn lậu mới hết.