Tuyên thệ trước Quốc kỳ
Sáng nay 24-11, với 433/448 đại biểu Quốc hội (QH) có mặt tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp QH (sửa đổi).
Trong đó đáng chú ý, tại điều 29 của Nghị quyết quy định sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Thủ tướng phải tuyên thệ khi nhậm chức Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp.
Người tuyên thệ quyết định nội dung tuyên thệ phù hợp với trách nhiệm được giao. Người tuyên thệ phải đứng trước Quốc kỳ tuyên thệ. Thời gian tuyên thệ không quá 3 phút.
Bầu cử QH mới vào ngày 22-5
Trước đó, vào đầu giờ sáng 24-11, các đại biểu (ĐB) đã thảo luận và biểu quyết thông qua Tờ trình của Uỷ ban Thường vụ (UBTV) QH về việc quyết định ngày bầu cử, thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, giới thiệu nhân sự để QH bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.
Có 455 ĐB (chiếm 92,11% tổng số ĐB) biểu quyết thông qua ngày bầu cử QH khoá XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là ngày chủ nhật 22-5-2016.
Về Quyết định thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia với cơ cấu theo tờ trình của UBTV QH là 21 thành viên gồm 1 Chủ tịch, 4 Phó chủ tịch (Phó chủ tịch nước, Phó thủ thướng, Phó chủ tịch QH và Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam) và 16 thành viên hội đồng, qua biểu quyết có 452 ĐB (chiếm 91,5% tổng số ĐB QH) tán thành thông qua.
Về nội dung dự kiến nhân sự Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia là chủ tịch QH khoá XIII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng để QH bầu làm Chủ tịch Hội đồng bầu cử. Nội dung này được các ĐB thảo luận tại đoàn và chiều nay QH sẽ bỏ phiếu bầu ông Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch Hội đồng bầu cử. Sau đó, Chủ tịch Hội đồng bầu cử sẽ giới thiệu danh sách thành viên Hội đồng bầu cử để QH phê chuẩn.
Cho phép xác định lại giới tính
Trong sáng 24-11, với 446 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) (chiếm90,28 % tổng số ĐB) có mặt tham gia biểu quyết, kết quả có 429 ĐB tán thành, 12 ĐB không tán thành và 5 ĐB không biểu quyết. QH đã thông qua Bộ luật dân sự (sửa đổi). Bộ luật gồm 27 chương, 689 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017.
Kết quả biểu quyết về quyền chuyển đổi giới tính tại Quốc hội sáng 24-11. Ảnh: Văn Duẩn
Riêng về nội dung chuyển đổi giới tính, có 399/446 ĐBQH có mặt đồng ý thông qua, 43 ĐB không tán thành và 4 ĐB không biểu quyết.
Đáng chú ý, về chuyển đổi giới tính quy định tại điều 37, theo báo cáo giải trình, tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ QH, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị quy định trong Bộ luật Dân sự việc Nhà nước công nhận quyền chuyển đổi giới tính.
Một số ý kiến tán thành với Dự thảo theo hướng việc chuyển đổi giới tính sẽ được thực hiện theo quy định của luật; có ý kiến đề nghị việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật. Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cung cấp thêm thông tin về thực tiễn và nhu cầu chuyển đổi giới tính để Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.
Ủy ban Thường vụ QH cho rằng việc chuyển đổi giới tính liên quan đến những yêu cầu và điều kiện khác nhau về độ tuổi, tình trạng hôn nhân, các vấn đề về an sinh xã hội, y tế và nhiều vấn đề xã hội khác. Pháp luật nước ta cần ghi nhận vấn đề này nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận trong xã hội, đồng thời cũng bảo đảm tính thận trọng, phù hợp với thông lệ quốc tế và không trái với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc.
Ngoài ra kết quả lấy phiếu xin ý kiến ĐBQH cho thấy, có 282/366 số phiếu thu được tán thành với quy định về việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật và việc thay đổi hộ tịch, các quyền nhân thân khác sau khi cá nhân chuyển đổi giới tính.
Với tinh thần đó, điều 37 của Bộ luật Dân sự sửa đổi quy định về chuyển đổi giới tính: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Cũng tại điều 36 của bộ luật này quy định về quyền xác định lại giới tính: cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.