Theo ví von của ông Lê Đức Thịnh, “áo giáp” ở đây được hiểu là các tổ chức, liên hiệp có chức năng bảo vệ người sản xuất, các tổ chức nghề nghiệp mang tính dẫn dắt, định hướng nông dân (ND) và các tổ chức triển tư vấn, thực thi chính sách phát triển trong sản xuất, giảm thiểu rủi ro mà ND có thể gặp phải...
Thảo luận về “cách may áo giáp 3 lớp”
Buổi tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT), Nhà văn hóa (Hội Nhà báo Việt Nam), Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển; Tổ chức Oxfam cùng đại diện chủ nhiệm HTX nông nghiệp và hơn 20 nhà báo.
Ông Nguyễn Phi Đức (trái) và TS Lê Đức Thịnh chia sẻ về một số vấn đề trọng tâm về nông dân và HTX tại hội thảo sáng 24.11. Ảnh: Đàm Duy
Phát biểu đề dẫn tại buổi toạ đàm, nhà báo Lưu Quang Định – Tổng Biên tập Báo NTNN, Chủ nhiệm CLB Phóng viên Nông nghiệp, ND, nông thôn, cho biết: Với mong muốn tạo thêm cơ hội để các nhà báo cùng tìm hiểu, trao đổi và chia sẻ về các vấn đề liên quan đến kinh tế hợp tác trong nông nghiệp; về vai trò vị trí của người ND trong HTX hiện nay..., Câu lạc bộ Phóng viên Nông nghiệp, ND, nông thôn (trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp Báo Nông Thôn Ngày Nay tổ chức buổi toạ đàm này.
Sau một số hoạt động nhỏ mang tính phối hợp từ khi thành lập (tháng 6.2015), đây là sự kiện đầu tiên do Câu lạc bộ chủ trì. Hy vọng buổi toạ đàm sẽ tạo cơ hội để các chuyên gia, diễn giả chia sẻ thông tin, kết quả nghiên cứu về kinh tế hợp tác và HTX đối với các đại biểu đến từ cơ quan quản lý, ND, nhà nghiên cứu và các nhà báo.
Để giúp ND liên kết chặt chẽ với các đối tác, sản xuất ổn định, sản phẩm có chất lượng và đủ sức cạnh tranh trên thị trường, TS Lê Đức Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho rằng: Cần “may áo giáp” để bảo vệ ND, “áo giáp” đó phải có đủ 3 lớp có sự kết dính chặt chẽ với nhau.
Một là các liên hiệp có chức năng bảo vệ người sản xuất, các liên hiệp sẽ bảo vệ quyền lợi cho nông hộ, cá nhân, trang trại, bảo vệ phương thức canh tác, truyền thống canh tác và thúc đẩy ND, người sản xuất tiếp cận nghề.
Hai là các tổ chức nghề nghiệp mang tính dẫn dắt, các tổ chức đó là HTX, các nhóm tổ hợp tác hay các tổ chức tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp.
Ba là các tổ chức tư vấn, thực thi chính sách phát triển trong sản xuất với chức năng hướng dẫn, tiếp cận, giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ nông nghiệp, đồng thời tư vấn đào tạo cho nông dân”.
Bày tỏ sự quan tâm đối với hình ảnh “áo giáp” mà TS Lê Đức Thịnh đưa ra, phóng viên Văn Thắng (Báo Kinh tế và Đô thị) nêu câu hỏi: Với thể trạng sức khỏe của ND hiện nay, chúng ta cần hỗ trợ như thế nào để họ có đủ sức mặc những tấm “áo giáp”?
Chia sẻ về vấn đề này, bà Vũ Thị Quỳnh Hoa - đại diện Tổ chức Oxfam chia sẻ thêm: Để ND mặc vừa “áo giáp”, tôi cho rằng cần giúp họ có tư duy về thị trường, bởi các quy định về thị trường sẽ liên tục thay đối trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu rộng; hỗ trợ ND kỹ năng mềm để họ tự nhận biết được cơ hội cũng như rủi ro khi tham gia vào “cuộc chơi”.
Ngoài ra, cần hỗ trợ cho ND kỹ năng thương thuyết để giúp họ mặc vừa “tấm áo giáp” này. Bản thân người ND cũng cần phát huy tính tự chủ trong lao động sản xuất. Nếu không chủ động ngay từ đầu thì khi mặc “áo giáp”, người ND sẽ cảm thấy chiếc áo quá rộng hoặc quá nặng, không đủ sức để mặc.
Tạo điều kiện, chứ không phải xin - cho
" Để HTX phát triển thì mấu chốt là ở bản thân các xã viên có động lực để sản xuất hay không. Tại sao các HTX của các nước vẫn phát triển được cho dù có nhiều biến động? Câu trả lời chính là ở động lực của từng xã viên, còn các yếu tố khác chỉ là chất xúc tác giúp cho HTX phát triển mạnh hơn”. |
Chia sẻ kinh nghiệm về thành công của HTX, ông Nguyễn Phi Đức – Chủ nhiệm HTX Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng: Có 3 yếu tố giúp HTX thành công. Trước hết là phải có người đứng đầu thực sự tâm huyết; thứ 2 là phải công khai minh bạch, hiện HTX Dưỡng Liễu có 2.500 xã viên, do thực hiện công khai nên mới tạo được niềm tin cho các xã viên; thứ 3 là giảm sự ràng buộc và có chế “xin cho” của chính quyền.
“Chúng tôi luôn tuân thủ các quy định của chính quyền, nhưng để HTX với tư cách là tổ chức kinh tế có điều kiện phát triển, cần bảo vệ quan điểm của HTX. Nếu chính quyền địa phương đưa ra các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho HTX phát triển, khi HTX làm ăn thành công sẽ quay trở lại chia sẻ hỗ trợ cho chính quyền lúc cần thiết” - ông Đức bày tỏ.
Trả lời nhà báo Chu Minh Khôi (Thời báo Kinh tế Việt Nam) về câu hỏi cần làm gì để nâng cao hiệu quả và đảm bảo lợi ích của ND trong hợp tác liên kết sản xuất nông nghiệp; lợi nhuận của HTX và lợi nhuận của xã viên liệu có mâu thuẫn nhau..., TS Lê Đức Thịnh cho rằng: “Lợi nhuận của HTX và lợi nhuận của xã viên hoàn toàn không mâu thuẫn nhau. Hai vấn đề này đi song hành với nhau. Tuy nhiên để bảo vệ người ND, nếu chỉ mỗi HTX thì không làm nổi, bởi bản thân các HTX nông nghiệp chưa đủ mạnh để tiếp cận nguồn lực, chính sách. Vì vậy cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các liên hiệp, các tổ chức nghề nghiệp và các tổ chức tư vấn, thực thi chính sách phát triển trong sản xuất”.
Liên quan đến ý phát biểu của ông Nguyễn Phi Đức, TS Lê Đức Thịnh cũng cho rằng, HTX cần được hỗ trợ, có môi trường thuận lợi để phát triển, cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, chứ không phải phụ thuộc vào xin – cho. Áp dụng cơ chế xin – cho với HTX là một cách để làm cho HTX thất bại.
Nhà báo Lưu Quang Định – Tổng Biên tập Báo NTNN: Nhà nông cần liên kết trong chuỗi sản xuất Đối với nông nghiệp, ND, nông thôn, chúng tôi thấy có 3 câu chuyện quan trọng đang được quan tâm hiện nay. Một là, vấn đề hội nhập sẽ làm thay đổi rất nhiều đến sản xuất và đời sống của người ND; Hai là, việc triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đòi hỏi người ND phải tổ chức lại sản xuất. Và ba là, muốn sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững, đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi ND phải liên kết lại với nhau trong chuỗi sản xuất. |