Chị Vũ Thị Nguyệt Ánh và những bức tranh từ cánh bướm. Ảnh: C.N
Sinh ra và lớn lên tại TP.Bảo Lộc, từ nhỏ chị Ánh đã phải chịu nỗi bất hạnh. Năm lên 5 tuổi, trong một lần bạo bệnh, một chân cứ teo dần khiến chị không thể đi lại bình thường như mọi người. Mặc dù bị khuyết tật nhưng nghĩ thương bố mẹ, chị Ánh đã kiên trì tập luyện và rồi chị có thể tự đi lại, tự đến trường… Sau khi tốt nghiệp THPT, Nguyệt Ánh theo học ngành chăn nuôi thú y tại Trường Trung cấp nghề Bảo Lộc. Cũng từ đó, chị có điều kiện tiếp cận với nhiều loài bướm có màu sắc độc đáo. Mê mẩn với những màu sắc sống động từ cánh bướm, chị Ánh nảy ra ý tưởng lưu giữ vẻ đẹp đó.
Để có được một bức tranh làm bằng chất liệu cánh bướm cần đến hàng ngàn con. Thấy việc bắt bướm trong tự nhiên khó khăn và không chủ động, chị Ánh đã nghĩ tới việc nuôi bướm. Chị kể, công việc hoàn toàn mới mẻ, chị đã phải dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu và sưu tầm các giống bướm từ nhiều vùng miền rồi mới làm trại nuôi bướm. Để có được bức tranh bướm, chị Ánh phải đi đường vòng, trở thành người nuôi bướm thành thục. Chị nắm vững cả quy trình sinh sản, đến nguồn thức ăn của bướm.
Dù tạo được chất liệu ưng ý nhưng việc sử dụng chất liệu ấy cho một bức tranh không dễ dàng. Quy trình tạo một bức tranh bướm phải qua rất nhiều công đoạn: Từ ướp xác bướm, sấy khô, vẽ mẫu, lên khuôn... rồi sau đó, tùy ý tưởng và nội dung của từng bức tranh để chọn gam màu cánh bướm cho phù hợp để kết chúng lại với nhau…
Những bức mang tính nghệ thuật có khi phải mất 1- 2 tháng… Sau thời gian khổ công nghiên cứu và thành công với loại tranh độc đáo, chị Ánh đã tiến hành lập cơ sở sản xuất tranh bướm Ánh Kim, giải quyết việc làm ổn định cho gần chục lao động. Hàng ngàn bức tranh đủ loại có giá trị nghệ thuật cao đã ra đời từ đây…
Chị Ánh cho biết hiện tranh của chị đã có mặt ở nhiều nơi, từ TP.Hồ Chí Minh đến Hà Nội… Đặc biệt đã có nhiều đoàn du khách nước ngoài đến tham quan và tìm hiểu về nghệ thuật sáng tạo loại tranh độc đáo này…