Khó mua được lợn, gà sạch
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Chiến – Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi dịch vụ Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tôi đã thành lập chuỗi liên kết bao gồm từ nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi đến cơ sở giết mổ và các điểm bán hàng thịt lợn đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, dù phải tốn thêm công nuôi lợn VietGAP và tốn thêm chi phí đầu tư sản xuất theo chuỗi nhưng giá bán vẫn không thể cao hơn được giá thị trường. Lý do là, người chăn nuôi vẫn phải phụ thuộc vào thương lái thu mua nên không khuyến khích được nông dân sản xuất VietGAP”.
Cần có thêm nhiều điểm bán gà, lợn sạch VietGAP được chứng nhận của ngành nông nghiệp (ảnh chụp điểm bán thực phẩm hữu cơ tại Hà Nội). Ảnh: T.X
Ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng, mấu chốt là ở chỗ người chăn nuôi làm ăn chân chính, sản xuất ra con gà, con lợn sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP phải mất nhiều công sức hơn, mất nhiều tiền của đầu tư hơn nhưng tới khâu thu mua thì vẫn phải phụ thuộc vào thương lái. “Thương lái khi thu mua lợn, gà thì chỉ nhìn vào mẫu mã đẹp để trả giá cao chứ họ đâu có căn cứ vào lợn sạch VietGAP hay lợn không sạch. Việc “đánh đồng” các sản phẩm sạch với những sản phẩm thường đã khiến người chăn nuôi không mặn mà với sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP”- ông Trọng nói.
Theo ông Trọng, hiện có 2 hình thức chứng nhận GAP là GAP nông hộ và GAP trang trại. Đối với GAP trang trại, nếu như trước đây có dự án, được nhà nước hỗ trợ thì người dân triển khai nhưng sau 2 năm hết hiệu lực không thấy có trang trại nào đăng ký lại do chi phí chứng nhận còn cao, tới 70 triệu đồng/trang trại. Mặt khác, có chứng nhận thì người chăn nuôi VietGAP cũng chẳng bán được giá cao hơn nên các trang trại không đăng ký lại. Còn đối với GAP nông hộ hiện mới có Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) hỗ trợ thử nghiệm ở 12 tỉnh.
Người dân mua thịt sạch ở đâu?
Ông Tôn Thất Sơn Phong – Giám đốc Dự án Lifsap cho biết, sau hơn 5 năm thực hiện mô hình sản xuất chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAP, đã có hơn 15.000 hộ chăn nuôi áp dụng tại 49 vùng chăn nuôi do dự án thiết lập trên địa bàn 12 tỉnh/thành phố. Các cơ quan chức năng cũng đã cấp chứng nhận VietGAP cho hàng nghìn hộ, tuy nhiên, số lượng sản phẩm lợn sạch, gà sạch mà dự án đưa ra thị trường thì vẫn ở giai đoạn triển khai với số lượng còn rất khiêm tốn. “Hiện đã có 600 hộ sản xuất gà, lợn ký hợp đồng với đơn vị cung ứng để tiêu thụ tại TP.HCM và Hải Phòng với 5 điểm bán, còn Hà Nội đang triển khai” - ông Phong nói.
Nói về việc tiêu thụ thịt lợn, gà sạch, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cũng bức xúc: “Tôi muốn mua rau, thực phẩm sạch phải tới chỗ nào, ai đảm bảo là sạch? Hay muốn tìm sản phẩm VietGAP thì phải tới đâu, có đúng là VietGAP hay không. Từ giờ đến Tết Nguyên đán, các địa phương, nhất là hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM có làm được việc hướng dẫn và chứng nhận các điểm bán thực phẩm sạch cho người dân không hay chỉ nói suông?”.
Để triển khai các điểm bán thực phẩm sạch, ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, Bộ NNPTNT đã giao cho Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập các điểm bán thực phẩm sạch. Theo đó, các cửa hàng này sẽ có logo, biển cửa hàng riêng và chỉ bán sản phẩm được ngành nông nghiệp chứng nhận.
Thống kê của Cục Chăn nuôi, đến hết tháng 6.2015 có 186 cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận GAP, trong đó có 25 cơ sở nuôi lợn, 38 cơ sở nuôi gà, 122 cơ sở nuôi ong, 2 cơ sở bò sữa. |