Học sinh cầm sách ngược rất ham học
Trao đổi với chúng tôi vào sáng 26/11, thầy Tráng Văn Vinh, người đưa sách có bìa bị dán ngược cho học sinh đọc trong đoạn video cho biết, phóng sự này quay lúc em Hùng đang học lớp 4. Năm nay, Hùng đã lên lớp 6 và về điểm trường chính để học.
Theo nhận xét của thầy Vinh, Hùng là một trong những học sinh khá nhất lớp khi thầy còn dạy ở điểm trường này. Bố mẹ Hùng đều làm rẫy và trong diện cận nghèo của tỉnh.
Mặc dù không nhớ chính xác gia đình Hùng có tất cả bao nhiêu anh chị em nhưng thời điểm thầy đang dạy ở điểm trường tiểu học thôn Sán Cố Sủ, Hùng và em trai đều chăm chỉ theo học. Còn chị gái Hùng đã đi lấy chồng.
“Học sinh ở vùng cao này thường dễ bỏ học nhưng Hùng rất chăm ngoan. Khi còn học tiểu học, nhà em ở gần trường hơn các bạn khác. Tuy nhiên, từ khi lên lớp 6, phải xuống điểm trường chính thì nhà em cách trường cũng phải đến gần 5km đường đèo dốc.
Tôi nghĩ, nếu có điều kiện để học lên cao, Hùng chắc chắn sẽ học tốt hơn so với các bạn khác, dù gia đình ở vùng cao khó khăn nhưng em rất thích được đi học”, thầy Vinh cho biết.
Học sinh Hùng đang đọc sách này năm nay đã lên lớp 6, hình ảnh quay trong phóng sự được thực hiện cách đây 3 năm
Nói về cuốn sách dính bìa ngược, thầy Vinh cho biết hiện nay không còn giữ vì đã chuyển cho học sinh mang về nhà học từ lâu.
Thầy chia sẻ, ở những lớp học vùng cao này học sinh vẫn dùng những cuốn sách cũ. Tuy nhiên, hy hữu lắm mới có cuốn do vô tình mà bìa bị dính ngược lại.
Hiện học sinh xã Thèn Phàng vẫn thiếu sách giáo khoa nhưng ý thức học tập của các em được nâng cao, từ khi có trường mới.
Thầy giáo trong phóng sự đã vào nghề hơn 20 năm
Thầy Tráng Văn Vinh là người dân tộc Nùng, sinh ra và lớn lên ở xã Thèn Phàng. Anh đã tốt nghiệp lớp 9+3 ở tỉnh Hà Giang và đi dạy học ở Xín Mần đến nay đã hơn 20 năm. Hiện thầy Vinh có hai con. Vợ của thầy làm nông nghiệp nên kinh tế cũng không khá giả.
“Cứ vài năm tôi phải đi một điểm trường lẻ nên chứng kiến rất nhiều khó khăn của các em học sinh miền núi. Không chỉ Hùng mà nhiều em khác vẫn còn khó khăn về cái ăn, cái mặc và cả sách vở để học được con chữ”, thầy Vinh nói.
Thầy Vinh trong lớp học
Được biết, thời điểm phóng sự quay, thầy Vinh còn dạy ở điểm trường Sán Cố Sủ cách đây 3 năm. Tuy nhiên, năm nay thầy lại được chuyển đến điểm trường lẻ khác của huyện Xín Mần.
Hiện nay, điểm trường tiểu học thôn Sán Cố Sủ đã khang trang hơn với 4 lớp ghép với 22 học sinh và 2 thầy giáo. Đây là điểm lẻ, cách trường chính 7 km, cách huyện 18 km. Trước thời điểm video được quay, điểm trường này chưa có điện lưới, đường đi vô cùng khó khăn.
Năm 2013, điểm trường này được đầu tư xây dựng trên tổng diện tích 300m2, bao gồm 2 phòng học và 1 nhà lưu trú cho giáo viên (nhà cấp 4) và sân chơi, tổng mức kinh phí 450 triệu đồng.
Chương trình huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước, kết hợp với sự tham gia tình nguyện của Đoàn viên thanh niên địa phương.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng theo hiệu trưởng nhà trường, hiện nay trường sử dụng lại sách giáo khoa cũ từ các năm trước, nhưng chỉ đủ Toán và tiếng Việt. Những môn khác, 2 - 3 học sinh vẫn dùng chung một quyển sách giáo khoa.
Vì điều kiện học tập khó khăn, việc các em lên lớp 3, 4 vẫn đọc, viết chậm, lên lớp 9 vẫn đọc chưa rõ là điều thường thấy. Không chỉ khó khăn về sách vở, bữa ăn của học sinh bán trú cũng nhiều thiếu thốn.
Được biết trước đó, một phóng sự tôn vinh thầy cô giáo vùng cao dịp 20/11 phát trên sóng VTV, có cảnh bé trai cầm ngược sách đọc. Nhiều người cho rằng, học sinh không biết đọc mà chỉ "diễn", cần kiểm tra chất lượng dạy và học của ngôi trường vùng cao này. Không ít ý kiến lên án người làm chương trình đã dàn dựng cảnh quay.
Ngay sau đó , ông Nguyễn Nam Sơn - Giám đốc Trung tâm Truyền hình Thanh niên (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh), đơn vị thực hiện phóng sự đã cung cấp video gốc. Người xem có thể thấy khá rõ cảnh thầy giáo mở cuốn sách rồi xoay ngược lại, trước khi đưa cho học sinh.